GÓP Ý KIẾN XÂY DỰNG DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN

Thứ Sáu, 17/07/2020, 21:17 [GMT+7]
In bài này
.

Sự ra đời và phát triển của KCN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được mục tiêu huy động vốn đầu tư và giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Các KCN không những đóng góp quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư mà còn là một giải pháp để thực hiện chủ trương phát huy nội lực của các thành phần kinh tế trong tỉnh.

KCN Đất Đỏ 1 (huyện Đất Đỏ) được đầu tư đồng bộ về hạ tầng.
KCN Đất Đỏ 1 (huyện Đất Đỏ) được đầu tư đồng bộ về hạ tầng.

Tính đến nay, tỉnh BR-VT đã thành lập được 15 KCN với tổng diện tích 8.511ha. 13/15 KCN đi vào hoạt động đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung hoạt động ổn định, đã lắp đặt quan trắc tự động nước thải theo quy định. Trong giai đoạn 2016-2020, ước tính các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 6,713 tỷ USD vốn đầu tư, tổng diện tích đất sử dụng 1.257ha.

Kể từ khi Ban Quản lý các KCN được thành lập vào năm 1996 đến nay, Ban đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và phát huy những điều kiện thuận lợi của địa phương để đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư vào các KCN, đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Với việc quyết liệt triển khai, thực hiện có hiệu quả các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, tuân thủ các tiêu chí, điều kiện đầu tư theo Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 6/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 2214/QĐ-UBND ngày 16/8/2016 do UBND tỉnh ban hành, các dự án đầu tư vào các KCN không ngừng gia tăng cả về số lượng, số vốn cũng như chất lượng công nghệ và máy móc thiết bị, bảo vệ môi trường…

Trước những dự báo tình hình mới, để tăng cường thu hút đầu tư, lấp đầy các KCN trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện cũng như đề xuất các giải pháp như sau:

Về ngắn hạn, thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa tại chỗ” hoặc một đầu mối phối hợp tại Ban. Đa dạng hóa cách thức tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư như: Sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin trực tuyến, trang dịch vụ công trực tuyến, email công vụ, điện thoại… để thực hiện nhanh gọn, hiệu quả và thuận tiện, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho DN. Hỗ trợ kết nối các DN trong chuỗi cung ứng lại với nhau nhằm đáp ứng điều kiện phục vụ sản xuất kinh doanh lẫn nhau, giảm áp lực thiếu hụt nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu. 

Quan tâm, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời các vướng mắc khó khăn của các DN hiện hữu trong các KCN, đặc biệt là các công ty, tập đoàn lớn có uy tín nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.  Đôn đốc, giám sát các DN quản lý hạ tầng đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, điện chiếu sáng, cây xanh…, đồng thời, phát triển các hạ tầng mềm như nhà ở công nhân, khu vui chơi giải trí, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bưu chính viễn thông… đáp ứng nhu cầu tại chỗ của nhà đầu tư.

Trong dài hạn, Ban sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu xây dựng quy định trình tự, thủ tục, cơ chế phối hợp giải quyết và nhất là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ UBND tỉnh, các cơ quan chuyên ngành cho Ban Quản lý các KCN trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai…; đơn giản thủ tục hành chính như cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục, kiến nghị bỏ các thủ tục không cần thiết. 

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình mới để kịp thời tranh thủ cơ hội vàng thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam hậu COVID-19. Bên cạnh việc xúc tiến đầu tư truyền thống, cần chú trọng việc xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư tích cực giải ngân vốn thực hiện, an tâm mở rộng sản xuất, tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin để thu hút các nhà đầu tư mới. Trong thu hút đầu tư cần chú trọng đến các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ đột phá và trọng tâm của tỉnh; thu hút đầu tư theo tiêu chí bền vững, các dự án công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng cao...

Tìm kiếm, chọn lọc thu hút những dự án nguồn, các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa thu hút các dự án vệ tinh (dự án sản xuất nguyên liệu, sản phẩm trung gian, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ làm đầu vào cho các sản phẩm hạ nguồn); tạo thành chuỗi cung ứng liên kết ngành hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh... 

TRẦN HỮU THÔNG

Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh 

 
;
.