Hiện nay, tham nhũng đã trở thành nguy cơ hiện hữu dẫn đến sự suy đồi văn hóa, đạo đức của con người, xã hội; lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước.
Tham nhũng “vặt” nhưng hậu quả thì không hề “vặt” và rất khó lường. Đó là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; làm xói mòn giá trị đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; làm hư hỏng cán bộ, gây phiền toái cho nhân dân và những công chức, viên chức chân chính của Nhà nước. Tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng nó đã góp phần vào làm thất thoát tài sản, công sức của Nhà nước, quyền lợi, vật chất của nhân dân, từng bước “gặm nhấm” làm rối loạn các giá trị chuẩn mực xã hội, làm suy yếu cơ quan công quyền; đồng thời, là cơ sở để cho tham nhũng “lớn” phát triển, làm lũng loạn xã hội. Tham nhũng “vặt” làm mất niềm tin của các nhà đầu tư, làm vẩn đục môi trường kinh doanh, gây nên tiền lệ “xin - cho”, “lót tay” trong đấu thầu, kinh doanh... Đặc biệt, nó là căn nguyên dẫn đến sự giảm sút lòng tin của con người với con người trong xã hội, của các thành viên trong tổ chức; là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng công kích, chống phá Đảng, chế độ và sâu xa hơn là làm xói mòn lòng tin của nhân dân với thể chế chính trị, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước trong lòng nhân dân và trên trường quốc tế.
Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tệ “tham nhũng vặt” trong những năm tiếp theo đạt hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, chỉ đạo xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng đủ năng lực, có phẩm chất trong sáng. Cần kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Đây là trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, của Ủy ban Kiểm tra cấp ủy, thanh tra các cấp. Cần đưa trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ này vào đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị trong bộ máy Nhà nước.
Hai là, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa trong việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách, quản lý. Chú trọng khắc phục việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đánh giá và thay thế kịp thời những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, cũng như thực hiện “công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình” để ngăn chặn ngay từ đầu một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn “tham nhũng vặt”.
Ba là, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng.
Bốn là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên với cấp ủy cấp dưới, nhất là cấp cơ sở; nghiêm khắc truy cứu trách nhiệm của tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, khi để cán bộ dưới quyền tham nhũng; chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Năm là, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh với tệ nạn bè cánh, ô dù, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Sáu là, chỉ đạo các cơ quan, ngành chức năng làm tốt công tác nắm tình hình nhất là những lĩnh vực, vị trí thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, dễ có điều kiện phát sinh tham nhũng vặt; xử lý tốt tin báo, tố giác tội phạm, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân nhằm phát hiện, ngăn ngừa những hành vi tham nhũng.
Bảy là, hàng năm chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy định số 30-QĐ/TW thi hành Chương VII, chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
ĐẢNG ỦY CÔNG AN TỈNH