Luật Giáo dục năm 2019 xác định mục tiêu giáo dục của nước ta là “phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài…”.
HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tham gia các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường. Ảnh: KHÁNH CHI |
Để nâng cao toàn diện chất lượng GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh BR-VT trong giai đoạn hội nhập và mở cửa, trước hết, cần truyền thông một cách hiệu quả để các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà giáo, phụ huynh, HS và toàn xã hội hiểu đúng và đầy đủ chủ trương về đổi mới toàn diện GD-ĐT.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện nhiệm vụ đổi mới. Trước mắt là xây dựng kế hoạch “Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh BR-VT giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030”. Trong đó, cần có những quy định riêng trong tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý và GV, theo định hướng coi trọng phẩm chất, năng lực sư phạm, kể cả năng lực ngoại ngữ và tin học. Ngoài ra, cần tổ chức bồi dưỡng theo định kỳ cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV, giảng viên cập nhật những kiến thức, kỹ năng giáo dục, đào tạo, công nghệ, kỹ thuật mới. Hình thức thực hiện công tác bồi dưỡng phải đa dạng, phong phú, linh hoạt nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu cấp thiết là phải hình thành cho đội ngũ những kỹ năng tự học, tự bồi dưỡng, bồi dưỡng thường xuyên và suốt đời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong từng giai đoạn.
Trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục, không thể không nói đến việc xây dựng và triển khai thật tốt đề án tự chủ ở các trường học. Việc này phải được tiến hành có lộ trình, chọn trường, chọn nội dung, hình thức triển khai cụ thể phù hợp ở mỗi địa phương, mỗi nhà trường. Song song với việc tự chủ, phải triển khai hiệu quả việc dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức tốt các hoạt động “dạy người” ngay trong trường học, hạn chế các lớp dạy thêm ngoài nhà trường.
Để tạo động lực cho sự đổi mới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần ban hành những chính sách thiết thực nhằm khuyến khích đội ngũ trong ngành GD-ĐT thực hiện các nhiệm vụ trong tình hình và nhiệm vụ mới. Mỗi trường học, mỗi địa phương cũng phải xây dựng các chính sách cho riêng đơn vị mình. Trong quản trị trường học, lãnh đạo nhà trường phải có kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ trẻ, tâm huyết, có năng lực được thể hiện năng lực, được sáng tạo, được cống hiến. Đồng thời, cần quan tâm đến việc tạo động lực cho HS trong các hoạt động giáo dục toàn diện.
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục còn liên quan chặt chẽ với việc đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương, đổi mới công tác quản lý, điều hành và quản trị trường học của các cơ sở giáo dục. Các cơ sở GD-ĐT phải xây dựng Chiến lược phát triển đơn vị trong 5 năm, tầm nhìn đến 10 năm. Các cấp, các địa phương, nhà trường phải có cơ chế cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các hoạt động “dạy người”, phát triển phẩm chất và năng lực riêng cho HS.
Trong nhiệm kỳ tới, ngành giáo dục cần triển khai thật tốt, thật hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về dạy tiếng Anh, tư vấn tâm lý học đường, xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, thân thiện; tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao, xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường… Ngành GD-ĐT cần rà soát lại tất cả các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua, xem những nội dung nào làm tốt để tiếp tục phát huy, nội dung nào còn thiếu sót cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công bố trí các nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Đổi mới toàn diện chất lượng GDĐT hiện vẫn là vấn đề về lý luận và thực tiễn cần được tiếp tục nghiên cứu và khám phá. Việc đổi mới toàn diện chất lượng GD-ĐT chỉ đạt được hiệu quả khi nó trở thành hoạt động thường xuyên của đội ngũ cán bộ quản lý, GV, HS.
TS.NGUYỄN THANH GIANG
(Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục BR-VT)
(*) Tham luận tại Hội thảo “Giải pháp để nâng cao toàn diện chất lượng GD - ĐT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” do Tỉnh ủy đã tổ chức để đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.