GÓP Ý KIẾN XÂY DỰNG DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Coi trọng giáo dục tinh thần "liêm, chính" cho cán bộ, đảng viên

Thứ Ba, 21/07/2020, 19:46 [GMT+7]
In bài này
.

Công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa sống còn đã và đang được đặt ra trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn”. 

Đối với BR-VT, trong những năm qua, công tác quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí được các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai gắn với việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được thực hiện đồng bộ thông qua việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hàng năm… Tuy nhiên, công tác tự phát hiện, xử lý tham nhũng còn ít, việc đấu tranh, chống tham nhũng vặt hiệu quả chưa cao; việc xử lý một số vụ án tham những còn kéo dài, chưa có các giải pháp hiệu quả để phát hiện và xử lý tham nhũng.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất một số giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền quán triệt, học tập các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt, tiếp tục quán triệt Quy định số 30-QĐi/TU, ngày 18/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các quan điểm chỉ đạo, các phương án, giải pháp phòng, chống tham nhũng phải được tuyên truyền đồng bộ, rộng khắp trong toàn Đảng bộ… 

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan đơn vị để nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng hiện nay, nhất là ở địa phương, đơn vị mình quản lý để gương mẫu và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. 

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên tuyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về việc tham gia phát hiện và tố cáo tham nhũng ở mọi cấp độ và gắn với việc biểu dương, khen thưởng những người dũng cảm tố giác, phát hiện. Có cơ chế bảo vệ danh dự, tính mạng cá nhân và gia đình những tấm gương dũng cảm tố giác, phát hiện.

Thứ tư, các cấp ủy đảng, chính quyền coi trọng giáo dục tinh thần “liêm, chính” cho cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Đồng thời, người đứng đầu phải là người tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt phải là trung tâm giữ gìn sự đoàn kết nội bộ…

Thứ năm, phát huy sức mạnh của truyền thông, của các cơ quan báo chí địa phương; kịp thời đăng tải các tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng. Với tinh thần “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật”, cũng cần nêu những hạn chế của cuộc đấu tranh này để rút kinh nghiệm tiếp tục đấu tranh có hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác gây hoang mang dao động dư luận... 

Thứ sáu, xây dựng các quy chế, các khung quy định bảo đảm tính răng đe và tổ chức tuyên truyền, quán triệt mạnh mẽ với phương châm: Không thể, không dám, không cần tham nhũng đối với cán bộ, đảng viên, công chức ở các cấp.

Thứ bảy, tiếp tục xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để định hướng nội dung tuyên truyền, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các vụ việc, vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm xảy ra trên địa bàn. 

Thứ tám, công tác tuyên truyền đòi hỏi phải được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ, bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và tình hình cụ thể; bảo đảm tính trung thực, khách quan, đúng pháp luật. Chú trọng cổ vũ, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kịp thời đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị về cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí của chúng ta hiện nay...

Thứ chín, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

 
;
.