Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh bố trí cho Côn Đảo hơn 1.418 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều công trình hạ tầng quan trọng được nâng cấp, hoàn thiện và đưa vào sử dụng như: chung cư cho người thu nhập thấp, chợ Côn Đảo, hồ chứa nước Quang Trung II, lưới điện trung - hạ thế trung tâm Côn Đảo, đường Cỏ Ống - Bến Đầm, sửa chữa kè biển đường Tôn Đức Thắng, công viên Nguyễn Huệ, nâng cấp đường vào bãi Đầm Trầu, Trường THCS Côn Đảo, khu tập luyện thể dục thể thao Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu... Những công trình trên góp phần tạo nên diện mạo mới cho Côn Đảo.
5 năm qua, giao thông kết nối Côn Đảo được giải quyết căn bản. Việc đi lại giữa Côn Đảo với đất liền thuận tiện hơn rất nhiều. Phương tiện giao thông đường thủy và đường hàng không đến Côn Đảo hiện nay đa dạng, nhiều lựa chọn. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ trên địa bàn phát triển, đặc biệt là du lịch và vận tải, thu hút sự tham gia đầu tư từ nhiều DN.
Công chức bộ phận một cửa huyện Côn Đảo tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết thủ tục giấy tờ cho người dân. |
Trên cơ sở khai thác lợi thế về hệ sinh thái đa dạng của Vườn Quốc gia Côn Đảo và Hệ thống Di tích Quốc gia đặc biệt, cộng với việc huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư, Côn Đảo đã có bước đột phá. Các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ IX cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, tạo nền tảng quan trọng cho Côn Đảo có thể phát triển nhanh, bền vững.
Dù đạt được nhiều thành quả quan trọng, nhưng Côn Đảo cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, lớn nhất vẫn là bài toán về cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Giao thông đường thủy và đường không chưa giải quyết hết những trở ngại của Côn Đảo trong mùa biển động, điều kiện thời tiết xấu. Thêm vào đó, tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh, lượng khách du lịch tăng trưởng nóng gây sức ép lên hệ thống cấp điện, cấp nước, môi trường thiên nhiên. Các vấn đề khác như tệ nạn xã hội, quản lý đất đai, an toàn giao thông có những diễn tiến phức tạp.
Ngoài ra, xét một cách tổng quan, hiện nay Côn Đảo vẫn chưa đạt được mục tiêu hình thành các khu thương mại, dịch vụ chất lượng cao và các loại hình du lịch sinh thái biển, đảo đủ sức thu hút khách cao cấp, khách quốc tế lưu trú dài ngày. Riêng về chỉ tiêu khách nước ngoài, trong 5 năm qua, cũng mới chỉ đạt 97,79% kế hoạch với 142.770 lượt khách.
Với vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hoá vô giá, Côn Đảo đã được Chính phủ quy hoạch là Khu du lịch quốc gia.
Du lịch khẳng định vai trò kinh tế mũi nhọn của Côn Đảo. Trong ảnh: Một góc Côn Đảo Resort. |
Trong giai đoạn 2021-2025, Côn Đảo sẽ cụ thể hóa mục tiêu trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, bằng việc đầu tư nhiều hơn cho hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật; khai thác các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, mang đặc trưng văn hóa truyền thống gắn với phát huy giá trị của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Đây là giai đoạn có tính bước đệm để Côn Đảo có thể trở thành đô thị du lịch trong tương lai.
Theo đó, Côn Đảo sẽ tập trung vào một số nhiệu vụ cụ thể: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phân khu, huy hoạch chi tiết về xây dựng; quản lý chặt chẽ đất đai; tiếp tục xúc tiến đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông (nâng cấp sân bay Cỏ Ống, mở rộng cảng Bến Đầm, cảng tàu khách Côn Đảo, kêu gọi đầu tư các tuyến tàu cao tốc mới). Cùng với đầu tư phát triển, Côn Đảo sẽ xử lý triệt để rác thải tồn đọng tại Bãi Nhát; xây dựng và thực hiện chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2020-2025, có tính đến năm 2030.
Giai đoạn 2015-2020, Côn Đảo duy trì cơ cấu kinh tế hợp lý. Tỷ trọng du lịch - dịch vụ đạt 89,58%; công nghiệp 6,65%; nông - lâm - ngư nghiệp 3,77%. Riêng doanh thu du lịch đạt 6.499 tỷ đồng, đạt 159,29% NQ, tăng bình quân 23,18%, tăng gấp 4,72 lần so giai đoạn 2011 - 2015. Lượng khách du lịch đạt 1.484.622 lượt, đạt 199,55% so với NQ, tăng bình quân 24,01%.
Dịch vụ vận tải phát triển nhanh, đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển du khách với 2 tuyến tàu cao tốc Côn Đảo - Trần Đề (Sóc Trăng) và Côn Đảo - Vũng Tàu; khai thác thêm đường bay trực thăng tuyến Côn Đảo - Vũng Tàu.
Trên địa bàn có 116 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 1.802 buồng/phòng, sức chứa 4.706 người/đêm, trong đó có 1 cơ sở 5 sao, 1 cơ sở 3 sao, 10 cơ sở 1 sao và 15 cơ sở đạt chuẩn. Dự kiến trong năm 2020 có thêm 4 cơ sở lưu trú đưa vào hoạt động nâng tổng số phòng lên 2.400, sức chứa 5.900 người/đêm, tăng 329,6% so với năm 2015. Từ năm 2017 đến nay có 52 dự án đăng ký đầu tư vào Côn Đảo, trong đó, có 6 dự án đã được cấp quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư.
Tổng thu ngân sách nhà nước của Côn Đảo nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 3.098 tỷ đồng, đạt 156,15% NQ, tăng bình quân 3,75%.
|
Trong thu hút đầu tư vào du lịch, Côn Đảo ưu tiên các dự án cao cấp từ 4 sao trở lên với mật độ phù hợp, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường ăn ninh quốc phòng, bảo tồn bền vững tài nhiên thiên nhiên và hài hòa lợi ích của người dân. Huyện cũng sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng; tăng cường xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Côn Đảo.
LÊ VĂN PHONG
Phó Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo