Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), 5 năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Long Điền đã “thay da đổi thịt”, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều mô hình hiệu quả cao đã được áp dụng, nâng cao thu nhập người dân nông thôn trên địa bàn huyện Long Điền. Trong ảnh: Du khách tham quan làng nghề bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền. |
CÙNG CHUNG SỨC
Những tuyến đường nông thôn được xây dựng khang trang đã tạo diện mạo mới cho xã An Nhứt (huyện Long Điền). Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong công tác xây dựng NTM của xã giai đoạn 2015-2020. Để làm được điều đó, xã An Nhứt xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu và được ưu tiên trong chỉ đạo để phát huy sức mạnh trong dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”.
Trong đó, đảng viên, cán bộ xã đã gương mẫu đi đầu góp của, góp công trong công tác vận động hiến đất làm đường. Điển hình như ông Nguyễn Văn Xuân (ấp An Hòa, xã An Nhứt) là một trong những đảng viên đi đầu trong phong trào hiến đất mở rộng hẻm. “Gia đình tôi đã phá bỏ hàng rào dài 30m, lùi vào 2m. Thấy vậy, các hộ khác cũng tự nguyện làm theo để có con hẻm rộng gần 4m”, ông Xuân nói.
Từ năm 2016 đến nay, toàn xã vận động người dân hiến 10.000m2 đất làm đường, 11.000m2 đất làm công trình thủy lợi. Nhờ đó, xã đã hoàn thành 12 tuyến giao thông nông thôn, 8 tuyến mương thoát nước trong khu dân cư và 11 tuyến mương nội đồng.
Tương tự, xã Tam Phước thời gian qua cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng NTM. Các hộ gia đình đã nhận thức được xây dựng NTM là làm lợi cho chính bản thân. Từ đó, nhiều hộ trên địa bàn xã Tam Phước đã hiến hàng ngàn m2 xây dựng kênh mương nội đồng và đường giao thông nông thôn.
Ông Phạm Văn Lý (tổ 29, ấp Phước Nghĩa, xã Tam Phước) là một trong những hộ dân tiêu biểu trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2013, ông Lý đã hiến 1.000m2 đất để mở rộng đường. “Lúc đó, rẫy của tôi đang trồng cây keo. Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM của xã, tôi đã bàn với vợ, con hiến 1.000m2 đất để làm đường. Giờ đường được mở rộng, thấy người dân đi lại dễ dàng, nông sản của bà con trồng ở các rẫy xung quanh đến mùa thu hoạch vận chuyển thuận lợi nên tôi rất vui”, ông Lý chia sẻ.
Không chỉ hiến đất, tham gia làm đường và làm mương nội đồng, cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện Long Điền còn tích cực tham gia các phong trào, mô hình “Ánh đèn sáng tỏ, xóm ngõ an toàn”, “ Tổ liên gia tự quản”, “Phòng trọ an toàn”, “camera an ninh”..., góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Nông dân huyện Long Điền áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. |
NÔNG THÔN KHỞI SẮC
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Long Điền thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo dấu ấn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Long Điền đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2019 thành công, thể hiện qua sự vào cuộc của các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Nhận thức của hầu hết cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò và ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình được nâng cao rõ rệt, từ đó tinh thần, trách nhiệm, sự chung sức chung lòng của toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng NTM được phát huy. Chương trình đã thực sự trở thành phong trào có ý nghĩa nhân văn, được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân.
Đồng chí Nguyễn Bá Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Điền khẳng định, đến thời điểm này, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện nói chung và các xã nói riêng đã có nhiều khởi sắc: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, vui chơi giải trí, học tập và chăm sóc sức khỏe của người dân; các mô hình khuyến nông, đào tạo nghề, các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đã tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên đáng kể.
Đến nay, toàn huyện đã có 5/5 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, xã An Ngãi được công nhận đạt chuẩn năm 2014, xã An Nhứt và Tam Phước được công nhận đạt chuẩn năm 2015, xã Phước Hưng và Phước Tỉnh được công nhận đạt chuẩn năm 2018. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện việc duy trì, nâng cao chất lượng đạt 19 tiêu chí NTM, trong đó thực hiện và được tỉnh công nhận Bộ tiêu chí NTM nâng cao tại xã An Nhứt; hoàn thành các tiêu chí huyện NTM trong năm 2019 và được Trung ương công nhận “Huyện đạt chuẩn NTM” năm 2020. |
Đồng chí Nguyễn Bá Hùng cho biết thêm, công tác chỉ đạo, điều hành từ huyện đến xã có sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Đường giao thông, kênh mương thủy lợi, điện, chợ, trung tâm văn hóa, trường học, trạm y tế,… được đầu tư đồng bộ, đã phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. 5/5 xã đạt chuẩn NTM đều có hệ thống giao thông đạt chuẩn kết nối liên xã và đến đường trung tâm huyện. 100% các tuyến đường huyện quản lý bảo đảm phương tiện đi lại thuận tiện và kết nối với trung tâm hành chính các xã trên địa bàn. Mức độ tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ, chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế của người dân tăng so với trước đây. Chất lượng môi trường sống được cải thiện rõ rệt, ý thức của người dân trong việc cải tạo, giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên. Sản xuất nông nghiệp được chú trọng, khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Các HTX nông nghiệp phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nghề truyền thống như bánh tráng, bánh hỏi, muối được bảo tồn phát huy giá trị, bước đầu tại các xã NTM đã hình thành các sản phẩm đặc trưng làm cơ sở cho việc phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền phấn khởi với thu nhập khá từ việc sản xuất muối áp dụng công nghệ tiên tiến. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG BÌNH