Con người là cốt lõi trong phát triển giáo dục - đào tạo

Thứ Năm, 09/07/2020, 19:57 [GMT+7]
In bài này
.

Để nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh BR-VT, có nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng yếu tố con người vẫn là trung tâm của mọi vấn đề. Do đó, một trong những giải pháp không thể thiếu là cải thiện năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp và chất lượng đội ngũ GV của địa phương.

HS lớp 5A2 Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học. Ảnh: KHÁNH CHI
HS lớp 5A2 Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học. Ảnh: KHÁNH CHI

Để làm được điều này, UBND tỉnh cần quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục công lập và các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở gắn với đầu ra và kết quả. Trong đó, phải bảo đảm cho người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục có quyền tự chủ về nhân sự, về tổ chức bộ máy, về tài sản và tài chính với điều kiện ràng buộc trách nhiệm về đầu ra và kết quả hoạt động của đơn vị, ràng buộc về trách nhiệm giải trình. Đồng thời, phải xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển đơn vị, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành. UBND tỉnh cũng cần phải có cơ chế tuyển chọn và thải loại nhân sự nói chung, nhân sự cho lĩnh vực GD-ĐT nói riêng thật minh bạch và công khai. Việc chọn người đứng đầu các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục phải là người có năng lực, dám nghĩ dám làm, đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới. Trước mắt, tỉnh cần thực hiện khảo sát nghiêm túc để lên kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quản lý, điều hành cho các cán bộ quản lý giáo dục các cấp trên cơ sở phân loại đối tượng tham gia, chọn lọc nội dung triển khai và đánh giá kết quả bồi dưỡng thật hợp lý.  

Với vai trò cơ quan quản lý, Sở GD-ĐT cần vạch ra các mục tiêu dài hạn cần đạt được ở lĩnh vực GD-ĐT, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực giáo dục của tỉnh phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và các văn bản pháp luật liên quan. Chúng tôi cho rằng, thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới và dạy học phát triển năng lực thực hiện của học sinh là 2 trong những mục tiêu dài hạn quan trọng. Ngoài ra, trong kế hoạch hành động và giải pháp để thực hiện mục tiêu, Sở cần triệt để khai thác các “không gian mở” để tạo ra điểm đặc biệt trong việc triển khai và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục.

Đối với lãnh đạo các cơ sở giáo dục, trên cơ sở quy định chung của ngành, của địa phương và đặc điểm cụ thể của trường mình, lãnh đạo các cơ sở giáo dục cần xác định “không gian mở” mà trường mình có thể vận dụng để tạo ra nét đặc thù trong chương trình giáo dục cũng như trong sản phẩm đầu ra của đơn vị mình. “Không gian mở” này được tạo ra trên cơ sở tham vấn ý kiến của GV, của HS và cựu HS, của phụ huynh và cả những chủ thể sử dụng sản phẩm đầu ra của trường. Cùng với đó, việc cải thiện năng lực quản trị điều hành trường học trong bối cảnh quốc tế hóa hoạt động giáo dục và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ cũng là việc hết sức cần thiết đối với lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Riêng đối với thầy cô giáo, việc nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện phương pháp giảng dạy và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là những nội dung quan trọng. Ngoài ra, các thầy cô cũng cần cải thiện năng lực ngoại ngữ có thể tham khảo nhiều tài liệu, học tập được nhiều kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy từ các đồng nghiệp trên thế giới. 

Bên cạnh yếu tố con người, cũng cần chú trọng cải thiện cơ sở vật chất. Các trường trên địa bàn đáp ứng được yêu cầu về phòng học, thư viện đa dạng tài liệu và giờ mở cửa linh hoạt hơn, phòng thí nghiệm có thể phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giảng dạy, nhà vệ sinh sạch sẽ hơn…

PGS. TS BÙI THỊ MAI HOÀI VÀ TS. DƯƠNG TẤN DIỆP 

(Khoa Tài chính công, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

;
.