Lễ kết nạp đảng viên của Chi bộ Cơ động (Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh). Ảnh: CTV |
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp hơn 8.700 đảng viên, đạt 98,14% chỉ tiêu đề ra. Kết quả cho thấy: Công tác phát triển đảng viên đã góp phần to lớn trong xây dựng Đảng bộ tỉnh trưởng thành nhanh chóng về số lượng và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Dự thảo Báo cáo đưa ra chỉ tiêu: Phấn đấu “Bồi dưỡng, giúp đỡ, kết nạp 6.263 đảng viên mới”. Để kết nạp một số lượng lớn đảng viên, phải bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng là nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Vấn đề đặt ra cho tất cả tổ chức trong Đảng bộ tỉnh: Phải tích cực tạo nguồn - vấn đề mấu chốt nhất của công tác phát triển Đảng. Nhưng đây lại là thách thức không hề nhỏ đối với rất nhiều cơ sở Đảng hiện nay.
Thực tế cho thấy, phần lớn chi bộ khu phố, thôn ấp trên địa bàn đang thiếu nguồn quần chúng kết nạp Đảng. Bởi người lao động, trong đó đa số là thanh niên rời quê hương đi học trong các trường chuyên nghiệp hoặc vào các nhà máy, công trường, nông trường lao động kiếm sống. Số thanh niên ở lại hoặc chưa đủ điều kiện, hoặc họ chưa có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương, do tinh giản bộ máy, số lượng tiếp nhận vào làm việc ngày càng hạn chế và theo thời gian nguồn quần chúng kết nạp vào Đảng cũng cạn dần. Điều kiện khách quan đó khiến không ít chi bộ trong cả nhiệm kỳ không kết nạp được đảng viên.
Công tác phát triển Đảng là khâu “đầu vào” của Đảng; tạo nguồn kết nạp Đảng là khâu mở đầu quan trọng của công tác phát triển đảng viên. Để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên, nhìn từ khâu tạo nguồn, xin đề xuất:
Một là, cấp ủy và nhất là người đứng đầu cấp ủy cần đề cao trách nhiệm, chủ động, tích cực, lãnh đạo quyết liệt tổ chức thực hiện công tác kết nạp đảng viên; coi đây là nhiêm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Phải nhận thức rằng: Không kết nạp được đảng viên và kết nạp đảng viên không bảo đảm chất lượng là nguyên nhân đầu tiên, trực tiếp làm cho Đảng già hóa, suy yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo.
Hai là, lực lượng lao động ở nông thôn và đô thị trên địa bàn đang trong xu hướng “ly hương”. Để giải quyết vấn đề này và có thể thu hút nguồn nhân lực ở các nơi khác về với BR-VT thì biện pháp căn cơ, bền vững nhất là đẩy mạnh, mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Dựa trên những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa, truyền thống… và có thể khai thác triệt để, hiệu quả các lợi thế đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, thành lập DN tư nhân... Khi kinh tế phát triển, cần nhiều nguồn nhân lực chất lượng thì chính con em chúng ta hoàn thành học tập ở các trường chuyên nghiệp, hết nghĩa vụ quân sự, đi làm ăn nơi xa sẽ trở về và “đất lành, chim đậu”, nhiều lao động ở các nơi khác họ cũng sẵn sàng tìm đến làm ăn, sinh sống lâu dài. Đây là phương thức hiệu quả nhất thu hút lực lượng lao động thông qua đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho tổ chức Đảng tập hợp, giáo dục, bồi dưỡng, hướng dẫn quần chúng phấn đấu vào Đảng.
Ba là, tìm mọi giải pháp để xây dựng, củng cố chi đoàn thanh niên ở thôn ấp, khu phố và hệ thống Trung tâm Văn hóa -Thể thao và Học tập cộng đồng cơ sở, hướng các tổ chức và thiết chế văn hóa này đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả hơn.
Chỉ có thể tập hợp được quần chúng, nhất là thế hệ trẻ sinh sống, làm ăn ở địa phương qua hoạt động phong phú, đa dạng, sinh động, hấp dẫn của tổ chức Đoàn Thanh niên. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt CLB, các hình thức sinh hoạt cộng đồng khác… ở các Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cũng là hình thức thích hợp để cuốn hút, tập hợp quần chúng.
Những hoạt động đáp ứng được nhu cầu chính đáng của quần chúng, nhất là thế hệ trẻ thì mới có cơ hội tập hợp, thu hút được họ tham gia. Thông qua những hoạt động như thế, các tổ chức Đảng mới có quần chúng để giáo dục, hướng họ tự nguyện phấn đấu vào Đảng; rèn luyện, thử thách để họ trưởng thành, đủ phẩm chất, năng lực của người đảng viên. Lực lượng quần chúng càng đông, càng có điều kiện thuận lợi để tuyển lựa, sàng lọc và nâng cao được chất lượng kết nạp đảng viên.
NGUYỄN QUANG PHI
(Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh)