Sáng 11/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu tại tổ. |
Qua thảo luận, các đại biểu chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa theo kịp với cơ chế kinh tế thị trường; nhiều nội dung bảo vệ môi trường được quy định trong nhiều luật khác nhau nhưng giữa các luật còn chồng chéo.
Nội dung, trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường chưa thực sự hợp lý... Vì thế, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết.
Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vấn đề môi trường là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu. Ô nhiễm môi trường đe dọa cuộc sống, là vấn đề lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Do đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là rất quan trọng để góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, bảo đảm phát triển bền vững của đất nước. Theo Thủ tướng, hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân; trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường, nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm.
Góp ý cho Dự án Luật Bảo vệ Môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT cho rằng mức chi cho công tác BVMT nên từ 3-5% GDP. Ảnh: LÊ MẪN |
Sự cương quyết đó phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy. “Chưa nhận thức đúng mức, chưa cương quyết nên việc này lặp đi, lặp lại, nhiều nơi nhức nhối. Sự vô trách nhiệm của một bộ phận dân cư cần phải được giáo dục. Nghị quyết của từng chi bộ phải quán triệt, đừng nói chuyện trên trời mà không bàn vấn đề sát sườn là bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP cụ thể hóa các quy định của luật, Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề, nên chăng cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền giáo dục, khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường. “Tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn. Phải bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm, nói mãi cũng nhờn,” Thủ tướng lưu ý.
Đề cập trách nhiệm của bộ máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
“Bộ máy đông nhưng yếu, không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về vấn đề này. Đây là khuyết điểm. Sửa luật để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa về trách nhiệm của mình trước dân. Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại tổ, dẫn chứng về việc đi thăm quan mô hình xử lý rác thải tại Hải Dương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. “Ấn tượng nhất là đứng cạnh đồi rác nhiều năm nhưng không có mùi. Họ phân loại rác hữu cơ làm phân bón, vườn rau, làm hội chợ hoa để người dân vào xem. Đốt rác bằng công nghệ của Nhật Bản không có khói. Các loại nhựa được phân loại và tái chế được. Nếu công nghệ này được chuyển giao, nhân rộng, sẽ xử lý được vấn đề ô nhiễm rác thải tại nhiều nơi trên cả nước,” Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường là hoạt động rất quan trọng. Tuy nhiên, quy định về đối tượng tham vấn trong dự thảo Luật còn hẹp; cách thức tiến hành chưa cụ thể, khoa học nên khó phát huy được đầy đủ ý kiến tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường. Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị, cần bổ sung quy định này theo hướng mở rộng đối tượng tham vấn, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu, hiệp hội khoa học kỹ thuật, đồng thời quy định cách thức tiến hành tham vấn cộng đồng dân cư có liên quan dự án trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Theo đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang), dự thảo Luật quy định tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp từ các vấn đề môi trường của dự án được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và UBND cấp xã nơi thực hiện dự án đồng chủ trì, với sự tham gia của những người đại diện các hộ bị ảnh hưởng do dự án… Tuy nhiên, thực tế, về tham vấn người dân hoàn toàn không hiểu hoặc nắm được thông tin gì về dự án đang xây dựng và tác động của dự án; cán bộ xã, Mặt trận Tổ quốc hay các tổ chức chính trị - xã hội cũng không nắm được ngoài những lời hứa của chủ đầu tư.
Vì vậy, để tăng cường tính khả thi, hiệu quả của hoạt động tham vấn của cộng đồng, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các điều khoản về sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các cộng đồng, nhóm công tác xã hội trong quá trình tham vấn thực thi và giám sát chính sách. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế khác giúp người dân nắm rõ thông tin trong đánh giá tác động môi trường, bởi người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của các dự án đầu tư, nhưng họ lại bị hạn chế khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa…
HOÀNG HƯƠNG