Quốc hội thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU

Thứ Hai, 08/06/2020, 21:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 8/6, Quốc hội tiếp tục họp đợt thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trong ngày làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 nghị quyết: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua EVFTA. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua EVFTA. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

457 đại biểu Quốc hội đã biểu quyết và đã tán thành (tỷ lệ 100%) thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA. Với Hiệp định EVIPA, có tổng số 462 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, trong đó bấm nút tán thành là 461 (chiếm 95,4%), không tán thành 0 và không biểu quyết là 1 ý kiến (0,21%).

Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. EVFTA được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho cả hai bên, gần 100% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Trong số các Hiệp định thương mại được ký kết, đây là mức cam kết cao nhất mà đối tác dành cho Việt Nam. Do vậy, EVFTA được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu.

Phía Bộ Công thương cho biết Ngân hàng Thế giới ước tính rằng chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030 đồng thời có thêm từ 100.000-800.000 người thoát nghèo.

Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVIPA sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch, thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định gồm 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục.

Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVIPA đồng thời với Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để các nước thành viên EU sớm hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định EVIPA có hiệu lực.

Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định EVIPA cũng có một số thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên quốc tế, doanh nghiệp để đáp ứng xử lý các tranh chấp đầu tư theo hiệp định.

Cùng ngày, Quốc hội cũng chính thức bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Cụ thể, tổng số đại biểu Quốc hội tham gia là 460 đại biểu (chiếm 95,2%), tán thành là 458 đại biểu (94,8%), không tán thành là 1 (chiếm 0,21%), không biểu quyết là 1 (tỷ lệ 0,21%).

Quốc hội quyết nghị gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (sau đây gọi tắt là Công ước số 105) được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 25/6/1957 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước số 105, phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 105; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 105 và những nội dung liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc gia nhập Công ước số 105 và thông báo thời điểm Công ước số 105 có hiệu lực đối với Việt Nam.

PHAN PHƯƠNG (TTXVN)

;
.