Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020…
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. |
KIÊN CƯỜNG VƯỢT QUA NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Phát biểu kết luận phiên thảo luận về tình hình KT-XH, NSNN của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
6 tháng qua, cả nước đã căng mình ra chống dịch. Đồng thời, do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng do gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại dẫn đến đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...; GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây; ảnh hưởng mạnh đến đời sống nhân dân.
“Mặc dù khó khăn, thử thách diễn ra rất lớn, phức tạp, rất nhanh và chưa từng thấy, song, đất nước ta bước đầu đã vượt qua những khó khăn, thách thức đó một cách vững vàng, kiên cường và hiệu quả”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ, Quốc hội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao công tác phòng chống đại dịch, giữ ổn định kinh tế - xã hội như thời gian vừa qua.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định, những gì làm được thời gian qua chính là chúng ta đã biến nguy thành cơ như quyết tâm của Thủ tướng.
Uy tín, thương hiệu của Việt Nam đã chinh phục được cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đại biểu, chúng ta không có tham vọng thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, nhưng đây cũng chính là thời điểm rất tốt để chúng ta tái cấu trúc kinh tế, giúp Việt Nam hóa rồng.
Để biến những cơ hội trên thành hiện thực, bên cạnh các giải pháp của Chính phủ, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Phải có các giải pháp đặc biệt nhằm biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cần tăng cường tiềm lực về nguồn vốn cho các DN trong nước từ nguồn vốn vay quốc tế. Một số ngày trước, Quốc hội thảo luận về việc chuyển đổi một số dự án từ đầu tư công theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công vì ngân hàng không đủ vốn để tài trợ cho doanh nghiệp. Trong khi tiền vốn trên thị trường quốc tế đang sẵn có và lãi suất rất thấp. “Chúng ta cần có cơ chế cho ngân hàng thương mại đi vay vốn quốc tế về để cho các DN trong nước vay lại theo hình thức tự vay, tự trả”, đại biểu nói.
ĐỊNH GIÁ SÁCH GIÁO KHOA PHÙ HỢP
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Việt Nam là nước đi đầu trong việc áp dụng biện pháp đóng cửa trường học trên toàn quốc khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng ngành giáo dục đã có bước chuyển ngoạn mục trong việc tổ chức dạy học online. Đến nay, dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò, không chỉ dựa vào trên lớp... cần được ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, đại biểu ghi nhận việc Bộ GD-ĐT đã tự cắt bỏ đặc ân trong việc biên soạn riêng sách giáo khoa, vì dù chất lượng biên soạn bộ sách này như thế nào, bộ sách cũng sẽ được lựa chọn nhiều nhất. Không biên soạn bộ sách riêng, điều đó không chỉ tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng mà còn tạo điều kiện quan trọng để thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, tạo sự bình đẳng trong giáo dục.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện tốt lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021. Đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.
“Đồng thời, quan tâm cụ thể việc định giá sách giáo khoa sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân. Vì đây là một loại hàng hóa đặc biệt”, đại biểu Quách Thế Tản khẳng định.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn khoảng 3 lần so với bộ sách giáo khoa hiện tại. Điều này liên quan đến việc chưa ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn sách giáo khoa theo yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội.
BÌNH MINH
(Tổng hợp)