Lời căn dặn của Bác về đoàn kết trong Đảng

Thứ Sáu, 12/06/2020, 22:13 [GMT+7]
In bài này
.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và coi trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Người luôn coi việc xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng là nhiệm vụ chính trị to lớn, là công việc thiết yếu hàng ngày của mỗi đảng viên và tổ chức Đảng. 

Đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh. Trong ảnh:  ĐVTN tham gia trò chơi “đoàn kết tiến bước” tại Ngày hội lực lượng vũ trang năm 2019. Chương trình do Tỉnh Đoàn phối hợp với trường Trung cấp Biên phòng 2 tổ chức. Ảnh: MINH THANH
Đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh. Trong ảnh: ĐVTN tham gia trò chơi “đoàn kết tiến bước” tại Ngày hội lực lượng vũ trang năm 2019. Chương trình do Tỉnh Đoàn phối hợp với trường Trung cấp Biên phòng 2 tổ chức. Ảnh: MINH THANH

SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT

Bác Hồ khẳng định đoàn kết là sức mạnh vô địch của Đảng ta. Trong Di chúc, ngay từ những dòng đầu, Bác đã viết về Đảng. Bác nói về Đảng nhiều nhất, song lại chỉ tập trung vào 2 vấn đề lớn là đoàn kết của Đảng và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, Người viết. 

Bác ví sự đoàn kết của Đảng như con ngươi của đôi mắt, mất đoàn kết là mất đôi mắt, là mù phương hướng, là xa rời mục tiêu lý tưởng, mất đi sức mạnh của tổ chức chính trị tiên phong, là mất tất cả. Một con người mà không có đôi mắt thì quả thật khó khăn, bởi “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Với một tổ chức chính trị có nhiệm vụ lịch sử là lãnh đạo nhân dân, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc thì “đôi mắt” lại càng có ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều. Cách ví von của Bác giản dị nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. 

Điều đặc biệt là không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, Bác còn nêu lên cách thức để thực hiện sự đoàn kết nhất trí trong Đảng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Việc thực hiện dân chủ, tự phê bình và phê bình là những cách tổ chức và sinh hoạt Đảng, điều đã trở thành những quy định rõ ràng và cụ thể. Nội dung tình đồng chí thương yêu lẫn nhau là phạm trù đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, một trong những vấn đề mà Bác đặc biệt quan tâm. Bác viết “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chỉ một đoạn văn ngắn, Người đã 4 lần nhấn mạnh đến chữ “thật” cũng đủ cho thấy tư tưởng về xây dựng đội ngũ cán bộ của Bác. Người cán bộ cốt ở đạo đức cách mạng trong sáng. 

LỜI CĂN DẶN CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ

Một số vấn đề về đoàn kết trong Đảng hiện nay đã được nhận diện đúng đắn và kịp thời, có giải pháp toàn diện xây dựng và củng cố vững chắc. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đề ra các giải pháp khắc phục. Trung ương Đảng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái, đặc biệt nhấn mạnh biểu hiện “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”. Những hiện tượng này nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ là kẻ thù của Đảng, gây chia rẽ trong tổ chức, làm suy giảm sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Để tăng cường xây dựng sự đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả những nội dung lớn sau đây:

Một là, tiếp tục thực hiện và mở rộng dân chủ trong Đảng, lấy dân chủ trong Đảng dẫn dắt dân chủ ngoài xã hội, bởi như Bác Hồ đã dạy: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”. 

Hai là, đẩy mạnh thực hiện tự phê bình và phê bình. Tự phê bình là cách mỗi người tự đánh giá để vừa thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình, vừa tạo điều kiện để những người xung quanh đóng góp ý kiến, giúp bản thân sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, còn phê bình là “nêu ưu điểm, vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình”. Để tự phê bình và phê bình có hiệu quả, mỗi đảng viên, tổ chức Đảng cần nắm vững quan điểm và cũng là phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người”.

Ba là, coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là nội dung lớn, quan hệ thiết thực đến sinh mệnh của Đảng ta. Đảng viên là hạt nhân để tập hợp và lãnh đạo quần chúng, đảng viên phải là những nhà văn hóa, vừa là cái máy thu những giá trị văn hóa tiến bộ, vừa là cái máy phát những giá trị văn hóa đó đến quảng đại quần chúng. Nói tóm lại, mỗi đảng viên phải trở thành những nhà văn hóa tiên phong, là người lan tỏa cái hay, cái đẹp trong cộng đồng, là người định hướng quần chúng về các giá trị đời sống - xã hội. 

Từ nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng sự đoàn kết, nhất trí của Đảng, trong những năm gần đây, Đảng ta từng bước sửa đổi và hoàn thiện điều lệ Đảng, quy định việc thực hành dân chủ trong Đảng, về tự phê bình và phê bình, về trách nhiệm nêu gương của đảng viên… Những quy định của Đảng trở thành thiết chế chặt chẽ bảo đảm cho xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

THS. HỒ VIẾT HÙNG (Trường Chính trị tỉnh)

;
.