KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021

Thứ Ba, 09/06/2020, 20:11 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 9/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021 với 91,1% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT chủ trì buổi thảo luận tổ về Nghị quyết chính sách đặc thù cho Hà Nội và dự án cao tốc Bắc - Nam trong ngày 9/6. Ảnh: LÊ MẪN
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT chủ trì buổi thảo luận tổ về Nghị quyết chính sách đặc thù cho Hà Nội và dự án cao tốc Bắc - Nam trong ngày 9/6. Ảnh: LÊ MẪN

Theo Chương trình được thông qua, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Xem xét các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV. Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét một số báo cáo khác theo quy định.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022.

ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ YẾN, TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BR-VT

Rà soát để chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung Dự thảo Luật Cư trú

Chiều 9/6, thảo luận tại tổ về một số ý kiến còn khác nhau về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT đề xuất, để Dự thảo Luật được hoàn chỉnh hơn, cơ quan soạn thảo rà soát để chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung sau: Điều 21 về điều kiện đăng ký thường trú: Bổ sung điều kiện đăng ký thường trú đối với các trường hợp đã cắt chuyển khẩu nhưng không thể đăng ký thường trú tại nơi cư trú mới.

Điều 22 về thủ tục đăng ký thường trú: Tại điểm C khoản 2 Điều 22 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam… khi đăng ký thường trú thì phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp có dấu kiểm chứng của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu; trừ trường hợp nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động”. Bổ sung thêm các thủ tục như văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, kèm theo giấy giới thiệu do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó xin thường trú cấp, vì đa số những trường hợp còn quốc tịch Việt Nam và đăng ký thường trú tại Việt Nam nhưng không sinh sống thực tế ở Việt Nam hoặc chỉ sinh sống trong một thời gian ngắn và có hộ khẩu thường trú để làm các thủ tục trong nước.

Về xóa đăng ký thường trú (Điều 25): Tại điểm b khoản 1 Điều 25 quy định: “Ra nước ngoài để định cư”, cần bổ sung thêm các điều kiện để xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp ra nước ngoài định cư như ra nước ngoài định cư do kết hôn, sinh sống..., vì hiện nay một số trường hợp ra nước ngoài đã định cư nhiều năm nhưng gia đình không làm thủ tục xóa khẩu và công an xã, thị trấn cũng không thể xác định được các trường hợp này đã được nhập quốc tịch hay chưa.

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về cư trú (Điều 33): Tại khoản 2 Điều 33 về trách nhiệm của Bộ Công an trong công tác quản lý cư trú, đề nghị bổ sung thêm một khoản mới với nội dung: “Xây dựng văn bản triển khai và chỉ đạo tổ chức kiểm tra đột xuất tình trạng lưu trú, tạm trú tại các hộ gia đình, các nhà hàng, khách sạn để đối chiếu với sự khai báo tạm trú, lưu trú của nhân dân, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh tình trạng khai báo tạm trú, lưu trú không trung thực, đặc biệt với đối tượng tạm trú, lưu trú là trẻ em và người chưa thành niên”.

Ngoài ra, Luật Cư trú hiện hành thiếu các quy định cụ thể để “Quản lý người tạm trú là trẻ em và người chưa thành niên” thiếu quy định chi tiết về trách nhiệm của Bộ Công an trong quản lý cư trú nêu tại Điều 33 của luật hiện hành nên công tác quản lý người tạm trú, lưu trú với đối tượng trẻ em và người chưa thành niên chưa đem lại hiệu quả cao ở nhiều địa phương. Kẻ xấu đã lợi dụng điều kiện này để xâm hại và xâm hại tình dục trẻ em; sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật. Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang gia tăng, trong đó tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, cần bổ sung một khoản vào Điều 30 của Luật Cư trú hiện hành nói về Đăng ký tạm trú: “Trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi yêu cầu phải có ý kiến của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh được mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú”.

Xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021; chỉ đạo, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Hướng dẫn Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát; tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình giám sát…

NGUYỄN HOÀNG

 
;
.