Nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực và sản phẩm mới là một trong những giải pháp để góp phần đưa ngành du lịch tỉnh phát triển. Báo BR-VT giới thiệu đến bạn đọc lược trích tham luận của ông Trần Văn Khánh, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy BR-VT tại Hội thảo “Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm mới cho ngành du lịch giai đoạn 2020-2025”.
Đỉnh núi Minh Đạm - điểm “check-in” hấp dẫn giới trẻ khi đến khu di tích căn cứ cách mạng Minh Đạm. |
Thời gian qua, tỉnh đã có nỗ lực, tranh thủ được nhiều đối tác đầu tư cho phát triển du lịch. Nhìn chung hoạt động du lịch tại tỉnh có nhiều đổi thay, tạo được thu nhập cho ngân sách từ du lịch và mở ra nhiều mô hình mới cho giải quyết đời sống nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn manh mún, tự phát, chưa hình thành bài bản, tạo ra các hình hài căn cơ để định hướng phát triển du lịch của tỉnh ta, cho trước mắt và tương lai. Do đó, tỉnh nên cùng với các huyện, thị, thành phố trao đổi xem mỗi nơi có thể tổ chức một sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch gì cho khả thi nhất. Cụ thể:
Bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh về BR-VT, TX. Phú Mỹ là nơi tuyến đầu của tỉnh, chính là căn cứ khu Tây trong 2 thời kỳ kháng chiến. Vì vậy, nên chọn khu vực thuận lợi, có thể là tại Trung tâm Văn hóa Phú Mỹ hiện nay, tu bổ thành một khu sinh hoạt văn hóa nhộn nhịp. Tại đây, sẽ mời quan khách xem mô hình lớn giới thiệu “Phú Mỹ xưa, nay và tương lai”. Nếu được minh họa những đoạn phim giới thiệu ngắn càng tốt. Sau đó, mời khách tham quan KCN và cảng Cái Mép - Thị Vải. Hoặc có thể mời quan khách đi tham quan núi Thị Vải với rừng cây xanh mát, có hoa 4 mùa, mời khách tham gia leo núi, chiêm ngưỡng tâm linh. Hoặc tham quan Trung tâm Văn hóa Hắc Dịch, khắc ghi lại các dấu ấn về cuộc sống trước đây của đồng bào Châu-ro…
Từ TX. Phú Mỹ theo Quốc lộ 51 về TP.Bà Rịa, tham quan khu Rừng Sác Phước Hòa, Long Sơn, trước đây là một phần của chiến khu Rừng Sác. Trong 2 cuộc kháng chiến, nhiều lực lượng của Trung đoàn 10 và TX.Vũng Tàu bám địa bàn này đánh địch tại Vũng Tàu. Xã đảo Long Sơn nằm trong vùng này, có nhiều truyền thống cách mạng. Rẽ về phía tay trái là núi Dinh có nhiều hang động, suối nước trong xanh chảy róc rách 4 mùa.
Đối với Châu Đức, Xuyên Mộc, nơi có nhiều di tích kháng chiến, căn cứ khu Đông của tỉnh trong 2 thời kỳ kháng chiến, danh lam thắng cảnh, trên sông Ray có ghềnh thác... Gần đây các vườn cây cao sản có giá trị kinh tế cao đang phát triển. Nếu chọn lựa tổ chức thành những làng, những vùng du lịch kinh tế văn hóa phát triển sẽ thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Trở về Long Điền, An Nhứt, Tam Phước, An Ngãi, khu vực đầu tiên cư dân Bà Rịa đặt chân đến, còn lưu giữ ký ức chợ bến, đình làng, mộ Bà Rịa, với thị trấn Long Điền phồn thịnh năm xưa, cánh đồng ruộng lúa, ruộng muối bạt ngàn, bao ngành nghề truyền thống, du khách về đây ăn bánh hỏi, thưởng thức các sản phẩm địa phương và có dịp tìm hiểu Bà Rịa xưa và nay. Quy hoạch nơi đây thành cụm du lịch kinh tế, văn hóa được không?
Đất Đỏ - quê hương của các cô gái miệt vườn xứ Mô Xoài xinh đẹp giỏi việc nước, đảm việc nhà và cả những người con gái trung kiên Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Hoa... Sao đây không thể trở thành một điểm du lịch kinh tế, văn hóa hấp dẫn (!?).
Còn với TP. Vũng Tàu, phải coi du lịch là mũi nhọn lớn nhất. Trong đó, ưu tiên tập trung quy hoạch xây dựng nội đô, sân bay, bến cảng... nối liền Vũng Tàu với Bà Rịa, hình thành một khu nghỉ dưỡng tầm cỡ và liên tục được phát triển đến nay. Do đó, phải xây dựng TP. Vũng Tàu trở thành một thành phố du lịch cao cấp, hiền hòa, mến khách, thu hút được khách trong và ngoài nước về đây tổ chức hội nghị, nghỉ dưỡng, thưởng thức những hoạt động văn hóa hiện đại.
Nên xem du lịch BR-VT là một tour du lịch thu nhỏ rất đa dạng, liên hoàn, muôn vẻ. Do đó, ngoài xây dựng quy hoạch chung, phải chỉ ra cho được nét đặc biệt độc đáo riêng của từng nơi để vươn tới, để tạo nên quần thể liên hoàn chung.
TRẦN VĂN KHÁNH
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy BR-VT)