Giữ "tâm sáng, lòng trong, bút sắc"
Trong bối cảnh hiện nay, báo chí cần khẳng định vai trò và sức mạnh của mình bằng thông tin chính xác với độ tin cậy và sự thuyết phục cao. Đặc biệt, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cần được xem là vấn đề cốt lõi. Đây là ý kiến của các đại biểu tại Đại hội Hội Nhà báo tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/6.
Các nhà báo phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: THÚY HÀ |
NÊU CAO TRÁCH NHIỆM NGƯỜI LÀM BÁO
Trong kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện, không thể phủ nhận vai trò, tác động của MXH (như Facebook, Twitter, YouTube…) đối với đời sống báo chí. Với các lợi thế như thông tin nhanh, đa dạng, cập nhật, lan tỏa và tương tác lớn, mạng xã hội là một kênh thông tin tham khảo hữu ích song cũng là thách thức với các nhà báo, nhất là những vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của dư luận như một kênh chia sẻ thông tin là điều rất cần thiết của giới báo chí. Tuy nhiên, để viết chuẩn mực và có trách nhiệm trên mạng xã hội không phải ai cũng có “tâm” và “tầm” theo nguyên tắc tối thượng của báo chí: “Sự thật là nguyên tắc tối thượng”. Nhà báo Trương Đức Doanh (Đài PT-TH tỉnh) cho rằng, với nguồn thông tin đa dạng, MXH tạo ra góc nhìn rộng lớn. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Thực tế cho thấy, trong khi nhiều nhà báo sử dụng MXH để lan tỏa thông tin, dẫn dắt, định hướng dư luận, thì cũng có không ít nhà báo dùng MXH làm công cụ, diễn đàn “đánh bóng cá nhân”. Thậm chí, có nhà báo khi thông tin trên báo chí chính thống thể hiện quan điểm một đằng, trên MXH lại bày tỏ quan điểm một nẻo, khiến dư luận càng hoang mang và nghi ngại với chính người làm báo. “Quyền thông tin, tự do thông tin là không thể ngăn cấm. Tuy nhiên, nhà báo phải giữ gìn đạo đức, có bản lĩnh vững vàng về chính trị khi tiếp nhận, xử lý thông tin và tham gia MXH. Nhà báo phải xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia MXH, phải tuân thủ Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành năm 2018”, nhà báo Trương Đức Doanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhà báo Hoàng Hoài Nam (Báo BR-VT) khẳng định, trước sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và MXH hiện nay, người làm báo càng phải cẩn trọng trong thông tin. Người đọc đặt niềm tin vào nhà báo và thông tin từ báo chí. Vì vậy, nhà báo không tuân thủ quy trình tác nghiệp, thiếu trung thực hoặc non về kiến thức, yếu về lập trường chính trị thì rất nguy hại. “Mỗi nhà báo phải chịu trách nhiệm trước tác phẩm của mình, phải cẩn trọng, có đạo đức và tuân thủ 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp đối với nhà báo”, nhà báo Hoàng Hoài Nam khẳng định.
Phóng viên tác nghiệp tại làng chài Phước Hải. |
RÈN LUYỆN BẢN LĨNH, TRAU DỒI ĐẠO ĐỨC
Theo các nhà báo, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, đội ngũ những người làm báo phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Nhà báo có phẩm chất đạo đức tốt, có đạo đức nghề nghiệp sẽ là một nhà báo giỏi, có trách nhiệm với xã hội và cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng.
Nhà báo Nguyễn Đức Tiện (Báo BR-VT) nhìn nhận, áp lực cạnh tranh thông tin và cơ chế thị trường dẫn đến xuất hiện những sản phẩm báo chí cẩu thả, từ sai sót về chữ nghĩa đến chính trị và chạy theo xu hướng giật gân, câu khách. Nhiều tờ báo chuộng đăng thông tin tiêu cực hơn những bài báo nêu gương người tốt, việc tốt. Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số cơ quan báo chí hoặc một nhóm nhà báo thoái hóa, biến chất, vì lợi ích cá nhân, xa rời tôn chỉ, mục đích, đưa tin, viết bài thiếu khách quan, thông tin một chiều nhằm trục lợi cá nhân.
Hội Nhà báo tỉnh cần tổ chức thêm nhiều hoạt động phong phú hơn như mở rộng các buổi trao đổi nghiệp vụ giữa nhiều cơ quan báo chí khác trong khu vực; tổ chức sân chơi dành cho hội viên hội thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Bên cạnh đó, các chi hội nhà báo cần có đánh giá, kiểm tra, xếp loại hội viên hàng năm, làm cơ sở để Hội Nhà báo tỉnh khen thưởng hoặc phê bình hội viên. Đặc biệt, cá nhân các hội viên phải nâng cao ý thức trong việc tham gia công tác Hội. Bởi chính ý kiến đóng góp của các hội viên sẽ giúp công tác Hội ngày càng phát triển, có định hướng phù hợp với đặc thù nghề nghiệp và là mái nhà chung thu hút hội viên. (Nhà báo Huỳnh Thị Lẹ, Đài PT-TH tỉnh) |
Nhà báo Nguyễn Đức Tiện dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với người làm báo cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Do đó, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng… Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Theo đó, nhà báo Nguyễn Đức Tiện cho rằng, để tác phẩm báo chí viết “đúng, trúng, hay”, nhà báo phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị, đạo đức để có bản lĩnh vững vàng, có kiến thức chuyên sâu và đứng vững trước những cám dỗ vật chất đời thường”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến tham luận cũng cho rằng Hội Nhà báo tỉnh và các chi hội trực thuộc cần phát huy vai trò, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các chuyến giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo các địa phương, tạo cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho phóng viên, hội viên, qua đó thu hút hội viên tham gia tích cực vào công tác hội.
ĐỨC NGUYÊN-HỒNG PHƯƠNG