Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề cập khá toàn diện và đúng mức về cán bộ và công tác cán bộ. Nhưng cán bộ và công tác quan trọng có tính quyết định đến việc thành bại, nên cần cân nhắc để vấn đề này trở thành khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.
ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN VÀ THỰC CHẤT
Những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm về công tác cán bộ và cán bộ được nêu trong Dự thảo Báo cáo thể hiện tinh thần nghiêm túc, cầu thị của BCH Đảng bộ tỉnh.
Nhiệm kỳ qua, công tác cán bộ “được đặc biệt chú trọng”, đã mạnh dạn, quyết liệt trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm mà nhân dân quan tâm, bức xúc. Những tín hiệu tốt trong công tác cán bộ, vừa là điều đáng mừng, vừa phản ánh đúng những gì mà công tác cán bộ nhiệm kỳ qua đạt được như Dự thảo đánh giá. Tôi đồng tình cao khi Báo cáo Chính trị nhận định: Đã “thực hiện nhiều đợt luân chuyển, điều động cán bộ; thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch”, “quyết liệt thay thế cán bộ không đáp ứng được công việc, không bảo đảm được tiêu chuẩn lãnh đạo; xử lý tốt công tác cán bộ tại các đơn vị có yếu tố gia đình”.
Đội ngũ cán bộ đã có “sự chuyển biến tích cực về ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống”, “ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, phục vụ nhân dân được nâng lên”, “nhiều cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, thật sự là tấm gương tận tụy, hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Bên cạnh đó, Dự thảo đã nêu một số chỉ tiêu không đạt, những hạn chế, khuyết điểm như “Năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ và người đứng đầu chưa đáp ứng yêu cầu”... Đó là đánh giá khách quan và trung thực.
Ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ tương đồng với những thành quả và những hạn chế trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương như Dự thảo Báo cáo ghi nhận.
Nhưng công tác cán bộ có nhiều khâu, nhiều bước. Đội ngũ cán bộ có nhiều vấn đề, hơn nữa Dự thảo có đưa ra nhận định: “Công tác kiểm điểm, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên ở một số đảng bộ, tổ chức đảng chưa thực chất”.
Đánh giá cán bộ là khâu khởi đầu, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu khác. Khi “đánh giá cán bộ chưa thực chất”, thì những vấn đề: Sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, điều động, khen thưởng, kỷ luật cán bộ thế nào? Đội ngũ cán bộ đạt chuẩn đến đâu? Kết quả trong cuộc đấu tranh phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ra sao? Những vấn đề này, trong Dự thảo chưa đánh giá hoặc đánh giá còn mờ nhạt, thiết nghĩ cần được nghiên cứu, bổ sung.
PHẢI LÀ MỘT KHÂU ĐỘT PHÁ
Dự thảo Báo cáo đề ra 4 khâu đột phá và có đề cập đến “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, nhưng tôi đề nghị bổ sung nội dung thành khâu đột phá: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, thật sự là công bộc của nhân dân”. Lý do, theo tôi vì: “Cán bộ nào, phong trào đó”, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân và là “cái gốc của mọi công việc”. Thành quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại trong nhiệm kỳ qua là công sức của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân, trong đó không thể phủ nhận có sự đóng góp vô cùng to lớn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn tỉnh. Công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ đã và đang đặt ra nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong tỉnh như Dự thảo Báo cáo đã đề cập. Nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 là rất nặng nề: Xây dựng “tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”; “nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân”; một loạt chỉ tiêu rất cao trên các lĩnh vực phải phấn đấu… Không có đội ngũ cán bộ ngang tầm không thể thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đề ra.
Trong công tác tổ chức cán bộ, Dự thảo Báo cáo cần nghiên cứu, bổ sung hai nội dung sau:
Một là: Quá trình tinh giản bộ máy, biên chế theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6, 7, khóa XII phải là quá trình quyết liệt sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu đúng năng lực, phẩm chất, chuyên ngành đào tạo và sở trường.
Hai là: Đầu tư thỏa đáng để Trường Chính trị tỉnh xứng tầm là trung tâm đào tạo cán bộ, công chức chất lượng cao và là trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và hành chính công, giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát hiện, đề ra quyết sách lãnh đạo và quản lý kịp thời, sát thực, hiệu quả.
NGUYỄN QUANG PHI (Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh)