Qua theo dõi trên Báo BR-VT và Báo BR-VT điện tử, tôi được đọc toàn văn Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ VII. Có thể nói, dự thảo văn kiện đã phản ánh đầy đủ, rõ nét các thành tựu cũng như phân tích các mặt hạn chế, nguyên nhân để đề ra các giải pháp trong thời gian tới. Trong khuôn khổ bài viết góp ý Dự thảo Báo cáo, tôi xin nêu một số ý kiến để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong thời gian tới.
Dự thảo Văn kiện Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ VII đánh giá: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp chất lượng cao và CNHT; tập trung thu hút, thúc đẩy khởi công xây dựng được một số dự án có vốn đầu tư lớn, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh, lan tỏa. Phát triển CNHT được định hướng cụ thể, thu hút được nhiều dự án hơn. Đến nay có 24 dự án hoạt động về lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao; 81 cơ sở hoạt động về CNHT.
Có thể nói, thời gian qua, ưu tiên đầu tư cho CNHT được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy ngành công nghiệp - một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, ngành CNHT vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Các sản phẩm CNHT của BR-VT hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất. Còn CNHT khu vực DN trong nước phát triển khá chậm, với số lượng còn ít, quy mô DN nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn rất hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực CNHT không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất. Phần lớn các DN CNHT trong nước chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sự liên kết chủ yếu vẫn diễn ra giữa các DN FDI với nhau. Về cơ chế chính sách phát triển ngành CNHT, hiện nay còn tồn tại những điểm yếu là chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp. Quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN còn yếu, nhiều DN chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Tôi rất đồng tình với giải pháp phát triển ngành công nghiệp trong giai đoạn 5 năm tới mà Dự thảo Báo cáo đề cập là: “Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu và trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển công nghiệp chất lượng cao và CNHT là nhiệm vụ trọng tâm”. Tuy nhiên, như đã phân tích, đánh giá các “điểm yếu” của ngành CNHT nêu trên, tôi xin đề xuất một số ý kiến nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển CNHT như sau:
- CNHT có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. BR-VT là một tỉnh công nghiệp, chính vì vậy việc ưu tiên phát triển CNHT phải được nhìn nhận như một mục tiêu chiến lược. Trong đó, lưu ý các vấn đề như ưu tiên tăng cường thu hút các DN ngành CNHT; các chính sách hỗ trợ, lựa chọn các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư…
- Để đẩy mạnh phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo nên những giá trị công nghiệp mới, BR-VT cần xác định công nghiệp mũi nhọn tương ứng với thế mạnh của từng vùng và tập trung phát triển các DN CNHT để sản xuất phụ kiện phục vụ cho ngành công nghiệp mũi nhọn này. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm thành lập khu nghiên cứu công nghệ cao, liên kết với trường đại học tại địa phương hoặc các các viện chuyên ngành với vai trò hỗ trợ đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm CNHT; mặt khác thành lập ban quản lý để truyền tải các chính sách của Nhà nước và tìm hiểu các khó khăn của DN CNHT, từ đó kịp thời hỗ trợ, tạo sự kết nối giữa các DN trong cùng chuỗi cung ứng.
- Cần có chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đầu vào với các sản phẩm CNHT; ổn định lãi suất, miễn giảm tiền thuê đất; khuyến khích DN có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia sâu chuỗi cung ứng…
NGÔ MINH
(Phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu)