Thủ tướng Chính phủ làm việc với BR-VT và 7 tỉnh, thành khu vực phía nam

Thứ Bảy, 30/05/2020, 12:11 [GMT+7]
In bài này
.
 
 

Sáng 30/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến BR-VT để thị sát các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, gồm: Cầu Phước An; tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) và cảng Hyosung. 

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy thuyết trình với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng về tầm quan trọng của đường liên cảng khi kết nố với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy thuyết trình với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng về tầm quan trọng của đường liên cảng khi kết nối với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đây là một trong những hoạt động của chương trình làm việc với 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (BR-VT, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, Tây Ninh, Bình Phước và Tiền Giang) về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Cùng đi có các Phó Thủ tướng:  Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.

Về phía tỉnh BR-VT có ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh và Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành. 

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT thuyết trình với Thủ tướng qua biểu đồ về sự cần thiết xây dựng cầu Phước An
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT (bìa phải) cùng Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác thị sát tại tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.

Tại buổi thị sát, ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban QLDA Giao thông khu vực cảng CM-TV báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiến độ của dự án tuyến đường liên cảng. Báo cáo nên rõ: Năm 2009, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng liên cảng CM-TV, chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn I thực hiện tuyến đường liên cảng dài 19,65 km; giai đoạn II đầu tư xây dựng cầu Phước An vượt sông Thị Vải nối TX. Phú Mỹ với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với chiều dài 3,26 km. Hiện tại giai đoạn I của dự án đã đạt hơn 95% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý II/2020; giai đoạn II là xây dựng cầu Phước An hiện chưa thực hiện được vì vị trí tiếp giáp giữa cầu Phước An và cảng Phước An (Đồng Nai) đang có chồng lấn ở khu vực mép bến phía thượng lưu dưới nhịp biên của cầu Phước An với chiều sâu là 21m và chiều rộng khoảng 60m.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể thuyết trình với Thủ tướng và các Phó Thủ tướng về đường liên cảng.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể thuyết trình với Thủ tướng và các Phó Thủ tướng về đường liên cảng.

Theo quy định tại Nghị định 143/2017/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ công trình hàng hải thì phạm vi bảo vệ tối thiểu đối với cầu cảng Phước An là 40m; theo quy định tại Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì hành lang an toàn đối với cầu đường bộ theo chiều ngang tính từ mép ngoài cùng trở ra, đối với cầu có chiều dài hơn 300m là 150m.

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy BR - VT Nguyễn Hồng Lĩnh đã báo cáo thêm với Thủ tướng về vai trò, vị trí và tiến độ dự án cầu Phước An. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Cầu Phước An có tầm quan trọng trong việc kết nối từ đường liên cảng qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để vào cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến này đưa vào hoạt động, cùng với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang triển khai đầu tư sẽ giúp cho giao thông kết nối các tỉnh miền Tây Nam bộ qua TP.HCM, Đồng Nai đến BR - VT được nhanh chóng, thuận tiện, giảm áp lực giao thông cho QL51 hiện đang ngày càng quá tải. Ghi nhận những ý kiến, báo cáo từ Bí thư Tỉnh ủy BR - VT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, dự án cầu Phước An là công trình trọng điểm, có vai trò quan trọng trong sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thủ tướng yêu cầu tập trung nguồn lực để xử lý, BR-VT và Đồng Nai cần phối hợp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ và trình Thủ tướng xem xét, giải quyết.  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với lãnh đạo của Công ty Hyosung.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với lãnh đạo của Công ty Hyosung.

Làm việc với lãnh đạo Công ty Hyusung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của DN trong việc đẩy nhanh tiến động, đưa nhà máy sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu nhà đầu tư phải chú trọng 3 tiêu chí: An toàn trong sản xuất cho người lao động, bảo đảm các vấn đề về môi trường và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường thế giới. Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG được xây dựng vào đầu năm 2019, với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Chỉ sau 1 năm xây dựng, Nhà máy đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Đến nay, Nhà máy đã đi vào hoạt động ở giai đoạn 1 với sản lượng 300 ngàn tấn sản phẩm hạt nhựa/năm. Các sản phẩm này phục vụ trong ngành sản xuất công nghiệp như ôtô, điện, chế biến bao bì, sợi và các vật dụng phục vục đời sống hàng ngày. Sau khi thị sát các dự án trọng điểm, tại Khu Du lịch The Grand Hồ Tràm Strip (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với 8 tỉnh, thành về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

. LÀM VIỆC VỚI CÁC TỈNH, THÀNH THUỘC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO: ĐOÀN KẾT, NẮM TAY NHAU CÙNG PHÁT TRIỂN

. KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG ƯU TIÊN QUY HOẠCH ĐẦU TƯ CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG MANG TÍNH LIÊN KẾT VÙNG

. HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI 8 TỈNH, THÀNH KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM KHU VỰC PHÍA NAM

 

 

;
.