QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

Băn khoăn về loại hình hộ kinh doanh

Thứ Năm, 21/05/2020, 22:46 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều đồng tình cần thiết sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật DN. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật, mà nên tách ra thành luật riêng.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT cho rằng nên có một luật riêng điều chỉnh về hộ kinh doanh trong phiên thảo luận dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 21/5.
Đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT cho rằng nên có một luật riêng điều chỉnh về hộ kinh doanh trong phiên thảo luận dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 21/5.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, việc xem xét, tiếp tục sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho DN.

Các đại biểu khẳng định, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã góp phần đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, nâng cao khung phổ pháp luật bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý và hoạt động DNNN. Đối với nội dung quy định về khái niệm DNNN, nhiều đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu kỹ đối với quy định DNNN là DN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của DN sao cho phù hợp, đảm bảo tính pháp quyền của DNNN.

Đại biểu Mai Hồng Hải (TP. Hải Phòng) cho biết, xét về tổng thể, việc sửa đổi Luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với DN nói chung chặt chẽ hơn, việc quản lý nhà nước đối với DNNN cũng phù hợp với yêu cầu thực tiễn và cụ thể hóa được chủ trương của Nghị quyết Trung ương 12 về quản lý DNNN. Tuy nhiên, cần bổ sung điều khoản về nguyên tắc quản lý nhà nước thông qua người đại diện, thậm chí kể cả phần vốn Nhà nước ở DN mà nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn. Đồng thời cần phân cấp, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân quản lý nhà nước ở Luật này và Luật 69 - Luật Quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào DN.

Đại biểu Phan Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, về nghĩa vụ DN được quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật nên bổ sung quy định về nghĩa vụ DN, trường hợp DN có dự án sử dụng đất tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi trụ sở chính thì phải thành lập tư cách pháp nhân và thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại địa phương đó. Việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo nguồn lực cho địa phương nơi có dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh giải quyết các vấn đề đặt ra về môi trường, đầu tư hạ tầng, an ninh trật tự... Đồng thời quy định này cũng đảm bảo quy định đồng bộ với các luật quản lý thuế, tiếp cận đất đai.

Về vấn đề có nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không, đa số đại biểu cho rằng, không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh Luật Doanh nghiệp. Đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh BR-VT) cho biết, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định; số lượng hộ kinh doanh hoạt động ở nước ta rất lớn, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, với mức đóng góp khoảng 30% GDP của cả nước. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm đưa hộ kinh doanh vào Luật thay vì Nghị định để tăng vị trí pháp lý của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cần tách hộ kinh doanh thành một luật riêng sẽ hợp lý hơn, chứ không nên đưa nội dung này vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vì như vậy Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ không thể bao hàm được hết.

Các đại biểu cũng đưa ra nhiều lý do không nên đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) như những quy định về hộ kinh doanh đưa ra trong dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới.

Đối với mẫu dấu và con dấu của DN được nhắc đến trong dự thảo luật, các đại biểu cơ bản thống nhất với phương án bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Các đại biểu đều cho rằng, việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và DN.

Tại ngày họp thứ 2, Quốc hội đã nghe các báo cáo, tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU-AN NHIÊN

;
.