Cần tăng nặng hình phạt đối với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em
Sáng 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã dành toàn bộ thời gian để xem xét, thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho ý kiến xung quanh các vấn đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em sáng 27/5. |
Trình bày Báo cáo của Đoàn Giám sát Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn Giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em, tăng cường kiểm tra, giám sát, điều tra, giải quyết, xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em.
Sau khi nghe báo cáo giám sát, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận, phân tích làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em; chỉ rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, qua đó đề xuất các biện pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn ra và là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội. Tình trạng này không chỉ ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả địa bàn kinh tế, xã hội đang phát triển. Đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn chứng, mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích. Những con số đau lòng này cho thấy “mảng tối” của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là đáng báo động. Đó là chưa kể đến số trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác điều tra xét xử tội phạm xâm hại trẻ em, kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh. Đối với những người phạm tội cần phải xử lý nghiêm minh kịp thời, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, dành khung hình phạt cao nhất cho kẻ phạm tội trên các hành vi xâm hại trẻ em…
Nói về vấn nạn bạo lực học đường và vai trò người đứng đầu, đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh BR-VT) nói: “Vì do ngại quy trách nhiệm mà nhiều trường học đã không báo cáo kịp thời, đầy đủ các vụ bạo lực xảy ra. Do vậy, đề nghị Chính phủ bên cạnh chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, đồng thời cũng xử lý thật nghiêm người đứng đầu đơn vị không báo cáo kịp thời đầy đủ, chính xác các vụ xâm hại, bạo lực xảy ra”.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cần có phương pháp thống kê số liệu về tình hình xâm hại trẻ em bài bản, đầy đủ. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm xóa bỏ định kiến về giới, về quyền của phụ nữ và trẻ em có trọng tâm, trọng điểm. Như vậy mỗi người sẽ hiểu đúng, nhận thức đủ, mạnh dạn lên tiếng khi bị xâm hại và biết cách phòng, ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nhập cư.
Tin, ảnh: ĐÔNG HIẾU