Lịch sử không thể nào quên
Cách đây 75 năm, ngày 9/5/1945 lực lượng tiến bộ, dân chủ và hòa bình, đặc biệt là Hồng quân và nhân dân Xô viết đã đập tan chủ nghĩa phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, giành lại hòa bình cho nhân loại. Dẫu thời gian có lùi xa, nhưng chiến tích ấy mãi mãi không phai mờ.
Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít. (Nguồn: Sputnik) |
TỘI ÁC KHÔNG DUNG THA
Bản chất cực kỳ hiếu chiến, Hitler - tên trùm phát xít đã châm ngòi, cho quân Đức tiến đánh Ba Lan vào ngày 1/9/1939, mở đầu Chiến tranh thế giới thứ II - một cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Hitler tự cho rằng “Dòng máu thuần chủng Đức là thượng đẳng, các dân tộc Do Thái, Gypsy, Slav là hạ đẳng”. Hắn công khai tuyên bố: “Chủng tộc Do Thái ở châu Âu sẽ bị hủy diệt” và lệnh cho quân đội giết hết bất cứ đàn ông, đàn bà, trẻ con có huyết thống Ba Lan hoặc nói tiếng Ba Lan. Hắn còn chỉ thị cho binh sĩ giết bất kỳ người Nga nào, dù trước mặt là ông già hay phụ nữ, con gái hay con trai.
Hitler đã biến cuộc chiến tranh thành một cuộc thảm sát tương tàn, gây tội ác kinh hoàng, tàn bạo nhất. Chúng ra rả tuyên truyền, nhồi sọ cái gọi là “Chủng tộc thượng đẳng Aryan” của dân tộc Đức và kêu gọi hãy “giết sạch mọi dân tộc hạ đẳng”. Trùm phát xít buộc tội người Gypsy “phá hoại huyết thống người Đức”, nên “tốt nhất là thủ tiêu”. Quân Đức đi đến đâu bắt người Slav rời khỏi nhà và lập tức đưa họ đến các trại tập trung để hành xử. Hàng ngàn trung tâm giết người mọc lên khắp châu Âu để hủy diệt người Do Thái. Trung bình một ngày có 25 ngàn người Do Thái chịu số phận hẩm hiu như thế.
Phát xít Đức trở thành “cơn ác mộng lớn nhất trong lịch sử”, 13 triệu dân Đông Âu vô tội, trong đó có 6 triệu người Do Thái bị giết. Một không gian ngột ngạt, chết chóc bao phủ khắp châu Âu trong thập niên 30, 40 của thế kỷ XX.
Phát xít gây ra cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu, đau thương với quy mô rộng lớn nhất. Cuộc chiến kéo 76 quốc gia tham dự, 80% dân số thế giới, cướp đi sinh mạng gần 60 triệu người, làm bị thương 90 triệu người, gây thiệt hại vật chất khoảng 4.000 tỉ USD. Đây là trang sử đau thương, đen tối nhất mà nhân loại phải gánh chịu và mãi mãi không thể nào quên. Tội ác man rợ đó “Trời không dung, đất không tha” và tất yếu “Kẻ gieo gió phải gặt bão!”.
CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Thôn tính xong 11 nước châu Âu, cùng với đó là sự ra đời Đồng minh Đức - Ý - Nhật, phát xít Đức trở nên hùng mạnh. Ngày 22/6/1941, quân Đức bất ngờ tiến công Liên Xô. Hitler ngạo mạn tuyên bố: “Đánh bại nước Nga bằng cuộc chiến chớp nhoáng”, “Tiêu diệt chế độ XHCN” từ một tháng rưỡi đến hai tháng!
Liên bang Xô viết trong bất lợi, muôn vàn khó khăn, một mình đương đầu với kẻ thù lớn mạnh hơn nhiều lần. Trước lời hiệu triệu “Tổ quốc XHCN lâm nguy”, toàn thể nhân dân từ già trẻ, trai gái, triệu người như một, nhất tề xông ra chiến trường, chiến đấu hy sinh đến cùng để bảo vệ đất nước.
Đội ngũ tướng lĩnh tài ba, đội quân gan dạ, thiện chiến, nhân dân đồng sức, đồng lòng, Liên bang Xô viết đã chiến đấu quyết liệt, dũng cảm, không ngại hy sinh, tổn thất để bảo vệ từng tấc đất, ngôi nhà, góc phố. Nhiều trận đánh mãi mãi ghi dấu vào lịch sử: Cuộc chiến quyết liệt bảo vệ Moscow, Stalingrad; trận phản công ở Thủ đô và Stalingrad, trận Kursk, sông Dnepr, chiến dịch Bagration…
Ngày 1/1/1941, Mặt trận Đồng minh chống phát xít trên phạm vi toàn thế giới ra đời, trợ giúp và chia lửa cùng Liên Xô. Lợi dụng quân Đức sa lầy ở Stalingrad, quân Đồng minh tiến sang châu Phi, đánh chiếm Algeria, Marocco, một phần Tunisia. Ở châu Âu, cuộc tiến công mãnh liệt của quân Đồng minh khiến phát xít Ý sụp đổ và đầu hàng.
Ngày 16/4/1945, Hồng quân Liên Xô mở trận tấn công vào Berlin, sào huyệt cuối cùng của chủ nghĩa phát xít. Quân Đức vẫn ngoan cố, điên cuồng chống trả. Nhưng trước sức mạnh như vũ bão của Hồng quân, cuối cùng lá Quốc kỳ Liên Xô đã tung bay trên nóc Nhà Quốc hội Đức, báo hiệu giờ phút cáo chung của chủ nghĩa phát xít đã điểm. Ngày 9/5/1945, trở thành “Ngày chiến thắng”.
Thời gian đã lùi xa, nhưng thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít mãi vẫn là mốc son chói ngời của nhân loại. Đó là thắng lợi của lực lượng tiến bộ, dân chủ, hòa bình thế giới, trong đó có sự đóng góp to lớn, quyết định của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Hồng quân Liên Xô. 27 triệu người ngã xuống, 30 triệu người bị tàn phế suốt đời, hàng ngàn thành phố, làng mạc của Liên bang Xô viết bị phá hủy… Những mất mát to lớn, vô giá, không thể cân đong đo đếm của Liên Xô và các nước Đồng minh đã cứu loài người khỏi thảm họa phát xít, mở ra cơ hội cho các dân tộc thuộc địa đứng lên giành độc lập, tự do, trong đó có Việt Nam. Nhân dân ta và cả nhân loại mãi khắc sâu, ghi nhớ, biết ơn.
HÀ NGUYỄN