KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890-19/5/2020)

Có một quê chung

Chủ Nhật, 10/05/2020, 19:59 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi đã về  quê Bác vào dịp  tháng 5 -  đúng vào mùa sen nở rộ tưng bừng ướp cả hương đồng hương lúa. Một làn hương dịu nhẹ thật quyến rũ, mơ màng xua tan đi cái oi bức ngột ngạt của miền quê gió Lào khắc nghiệt.

Quê nội Bác Hồ tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Quê nội Bác Hồ tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Có một sự ngẫu nhiên kỳ lạ như là sự sắp đặt hoàn hảo của thiên nhiên nơi đây: Đúng dịp tháng 5 có ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu - ngày 19/5. Tôi đã về thăm quê ngoại Bác Hồ - làng Hoàng Trù cái nôi của văn hóa đồng quê xứ Nghệ, còn gọi là làng Chùa. Nơi đây cách đây 130 năm Bác Hồ đã cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay thân mẫu của mình, bà Hoàng Thị Loan - một người quen nghề dệt vải. Những ngón tay ấy đã tháng ngày dệt nên những tấm vải cũng là dệt nên những ước mong sao cho chồng mình chăm lo đèn sách đỗ đạt, sao cho con cái chăm ngoan hiếu học. Trong ngôi nhà đơn sơ quen thuộc như bao ngôi nhà của vùng thôn quê này còn lưu giữ chiếc võng  đay gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ với những lời ru, những làn điệu dân ca là mạch nguồn văn hóa dân gian ngấm vào lòng Người ngay từ thơ ấu. Vẫn còn đó chiếc khung cửi, chiếc khung đã lên nước thời gian mài bóng. Nhưng ta vẫn như còn nghe được cả tiếng thoi đưa dệt vải khi gà gáy sang canh. Chiếc khung cửi thân thiết đó đã được cách điệu trở thành cái mái che đúc bằng bê tông trên mộ của mẹ Bác Hồ ở núi Động Tranh - một biểu tượng thanh cao mà bình dị, lưu giữ nét làng nghề  truyền thống.

Cũng trong ngôi nhà tranh ở Hoàng Trù, gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, chếch về phía bên trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Năm 1901, cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ đã thi đỗ Phó bảng, đem lại vinh dự cho cả làng. Nhân dân làng Sen đã dựng ngôi nhà mới 5 gian mộc mạc cách quê ngoại Hoàng Trù 2 cây số để chào mừng cụ Phó bảng vinh quy bái tổ. Đó chính là làng quê thơm ngát hương sen mà Bác Hồ đã sống thời niên thiếu. Trong ngôi nhà đơn sơ này, cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Hiện nay các kỷ vật trong ngôi nhà này còn được giữ lại hầu như nguyện vẹn. 2 bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ Phó bảng và hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm - anh của Bác và Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ). Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh (chị cả Bác Hồ). Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó. Theo như lời hướng dẫn viên, tôi hình dung ra những năm tháng ấy cụ Phó bảng vất vả với cảnh “gà trống nuôi con” thì hình ảnh cô Thanh đã đảm nhiệm công việc nấu nướng chăm sóc gia đình. Dù là người tài sắc lại thông thạo chữ Hán nhưng cô Thanh đã từ chối các đám dạm hỏi của trai làng để toàn tâm, toàn chí lo việc nhà thay mẹ đã mất. Hy sinh quên mình như những bông hoa sen lặng lẽ tỏa hương dâng hiến cho đời. Tham quan làng Sen ta có thể cảm nhận đầy đủ hơn về một làng quê, hồn quê đặc trưng thuần Việt. Ta được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó, như: Lò rèn cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý, nhà của một lương y bốc thuốc nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc Nam. Hay một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo... Rộng ra ở Nam Đàn còn có nhiều di tích danh thắng lưu giữ ký ức những danh nhân kiệt xuất như Đình Hoành Sơn, đền thờ vua Mai Hắc Đế, nhà lưu niệm Phan Bội Châu... Ta gặp lại ở đây cây đa làng mà hai lần Bác Hồ về thăm quê năm 1957 và năm 1961. Đứng dưới bóng cây cổ thụ xanh tốt, Bác đã căn dặn bà con làng Sen Kim Liên với giọng trầm ấm áp dù bao năm đi xa tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ các nước khác nhau nhưng Bác vẫn giọng quê quen thuộc, vẫn những lời thân thiết gần gũi như một câu Kiều: “Quê hương nghĩa nặng tình cao - Qua bao năm ấy biết bao ân tình”. Khi trở về thăm quê Bác vẫn nhận ra người bạn thuở nhỏ đã từng câu cá với mình năm xưa ở hồ sen đầu làng. Bác chỉ vào vết sẹo ở vành tai mình mà nói: “Vết sẹo này là do ông giật câu đấy nhé”. Rồi cả hai cùng cười giản dị như một lão nông. Về thăm quê dù đã cách xa mấy chục năm Bác vẫn lần theo lối quen ngày trước. Vườn nhà Bác được trồng các loại cây quen thuộc với đời sống ở nông thôn, đó là: Những hàng cau vút thẳng, vít cong những cành ổi chín la đà, quả bưởi tròn căng. Tháng 5 về làng Sen quê Bác ta lại gặp ở đây giọng nói ríu rít của trăm miền, của bao lứa tuổi. Bởi quê Bác là Quê Chung cho mọi người ở mọi miền quê của Tổ quốc.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

 
;
.