Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với DN “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp.
Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Khoảng 800.000 DN trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Tại điểm cầu BR-VT, các ông, bà: Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đại diện VCCI Chi nhánh Vũng Tàu, Liên minh HTX tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hiệp hội DNNVV tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và DN trong tỉnh tham dự hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu BR-VT. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại đã có một Việt Nam hào khí từ cách đây hàng chục năm, khi người dân sống trong các chiến thắng giành độc lập dân tộc 30/4, chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, ngày hội của người lao động 1/5, ngày chiến thắng của Hồng quân Liên Xô; nhấn mạnh quyết tâm, khôi phục kinh tế nâng cao đời sống toàn dân, đó là động viên vô cùng quý giá, khôi phục kinh tế. Tháng 5 cũng là tháng lịch sử khi non sông Việt Nam sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Thủ tướng là một tháng đẹp nhất và có ý nghĩa quan trọng ở Việt Nam.
Trên phương diện kinh tế, khủng hoảng y tế đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế từ từ phía cung đến phía cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ hàng không đến du lịch, từ nội thương đến ngoại thương, từ các ngành thâm dụng lao động cho đến thâm dụng công nghệ, từ dầu mỏ đến ô tô, từ các nước đang phát triển đến quốc gia phát triển, bất kể quy mô kinh tế nhỏ hay lớn đều không tránh khỏi tác động. “Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu, tầm nhìn của Việt Nam đến năm 2045 trở thành Quốc gia thịnh vượng, DN phải dám nghĩ lớn, làm lớn, chống trì trệ trong mỗi chúng ta. Do đó, hội nghị phải nêu giải pháp mới, như thị trường, kết nối chuỗi giá trị, tạo chất keo kết nối đứt gẫy, thuế, lao động, tín dụng. Chính phủđã có các chính sách an sinh, nên cần bàn chính sách tăng tốc, chính sách đòn bẩy. Tinh thần chống trì trệ như chống dịch cần phải được thúc đẩy.
Thủ tướng nhắc lại khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đãđi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người. “Việt Nam chúng ta, DN của chúng ta cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nêu ra 6 điều DNcần làm là: Yêu Tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ; Đoàn kết, hợp tác với nhau; Không nản chí bởi như vậy là tự mình bỏ cuộc, môi trường kinh doanh khó khăn thách thức; Năng động và quyết đoán; Sáng tạo bởi thiếu sáng tạo tự mình tụt lại; Cần có niềm tin vì thiếu niềm tin tự mình trói bỏ mình.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. |
Tại BR-VT, tính đến nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng gần 1.000 DN thuộc các ngành du lịch, công thương, nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo… 10.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 20.000 lao động bị ngừng việc. Các ngành dịch vụ nhỏ lẻ như quán ăn, quán cà phê, các dịch vụ phục vụ cá nhân, cộng đồng, xổ số… cũng bị ngừng trệ.
Tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như: chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN trong việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Tính đến ngày 6/5, Cục Thuế tỉnh đã nhận được 1.879 hồ sơ người nộp thuế đề nghị gia hạn tương ứng số tiền đề nghị gia hạn khoảng 433 tỷ đồng.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood chế biến thủy sản xuất khẩu tại xưởng. |
Hội nghị đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, hiệp hội, chuyên gia về những khó khăn, đề xuất trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; tiền tệ, tín dụng, lãi suất; hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Tin, ảnh: ĐÔNG HIẾU