Chuẩn bị kịch bản cho làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch bệnh COVID-19
Chiều 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục bàn các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chỉ thị số 16 và giải quyết một số kiến nghị của các ngành liên quan nhằm nâng cao kết quả phòng, chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Chỉ thị số 15, 16. Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, nhân dân cả nước đã chấp hành tốt các Chỉ thị trên, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.
Thủ tướng cũng nêu rõ không được chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh đã xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.
Thủ tướng nhận xét, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới có ít hơn và cùng với đó, số ca được công bố khỏi bệnh ngày càng nhiều hơn. Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm của các lực lượng Quân đội, y, bác sĩ, Công an- những người ở tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Thủ tướng đánh giá cao kết quả công tác triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng, cách ly xã hội mạnh mẽ, thay đổi nếp sống của người dân để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến 15/4, cả hệ thống chính trị, các địa phương, ngành y tế và các đơn vị liên quan cần nắm chắc tình hình, chuẩn bị nhanh các kịch bản, các giải pháp để sẵn sàng đối phó làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần tìm cho được những ca F0; truy tìm mọi dấu vết 2 ổ dịch tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tăng cường phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở thờ tự, đám đông, các siêu thị, phương tiện công cộng tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm cao.
Thủ tướng đề nghị cần chuẩn bị tốt phương án bệnh viện dã chiến để không bị động trong mọi tình huống. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có một chương trình sản xuất máy thở; tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần phản ảnh đầy đủ, toàn bộ cuộc sống và công tác phòng, chống dịch, đề cao việc phản ảnh gương người tốt, việc tốt; nhân rộng truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam trong khó khăn, hoạn nạn; phản ánh những ưu việt của chế độ, tính nhân văn của xã hội trong những tình huống khẩn cấp cần bảo vệ người dân.
Thủ tướng nêu rõ: Đội ngũ phóng viên cũng là những người trong tuyến đầu chống dịch, nhất là những “phóng viên chiến trường”. Do đó, các cơ quan báo chí, cơ quan y tế cần quan tâm, tạo điều kiện bảo vệ phóng viên tác nghiệp trong dịch bệnh.
Thủ tướng chỉ đạo cần thành lập riêng một bộ phận chuyên gia của ngành y tế để theo dõi, đề xuất thông tin với Ban Chỉ đạo và Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đề nghị tạo điều kiện cho người Việt Nam, nhất là các nhóm yếu thế như trẻ em vị thành niên, người đi chữa bệnh nặng bị kẹt ở nước ngoài về nước.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chương trình tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng biểu dương các địa phương bước đầu hỗ trợ người nghèo trên địa bàn.
Cho rằng đại dịch COVID-19 tuy mang đến nhiều thiệt hại, nhất là về kinh tế, việc làm nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, thời điểm này cũng mang đến nhiều cơ hội. Do đó, các ngành, các cấp và người dân cần đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động, tập trung phát triển các ngành, dịch vụ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, xử lý công việc, tăng cường phát triển vấn đề Chính phủ số, kinh tế số; sản xuất, xuất khẩu hàng hóa y tế dự phòng với các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ.
Song song với phòng, chống dịch, cần chủ động chuẩn bị những giải pháp toàn diện về phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn trong phòng dịch.
QUANG VŨ