Sau khi Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng vượt sông Cửa Lấp, bắn cháy 2 xe thiết giáp M113 địch tại ấp Phước Thành (nay thuộc Phường 11, TP. Vũng Tàu), chúng tháo chạy xuống Vũng Tàu, co cụm về cố thủ tại khách sạn Palace. Chỉ sau 2 giờ kể từ khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, 13 giờ ngày 30/4, quân ta chiếm được khách sạn Palace. Vũng Tàu được giải phóng trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân…
Khách sạn Palace hiện là một trong những địa chỉ du lịch thu hút đông khách trong và ngoài nước. |
ĐẬP TAN CỨ ĐIỂM CUỐI CÙNG CỦA ĐỊCH
Sau khi quân ta vượt được sông Cửa Lấp đánh vào Vũng Tàu, phòng tuyến cầu Cỏ May cũng bị phá vỡ, địch rút về co cụm tại khách sạn Palace (địa chỉ hiện nay là số 1, Nguyễn Trãi), chờ tàu biển vào đón để rút chạy. Chúng nhốt thường dân ở tầng dưới làm lá chắn để cản sức tiến công của ta. Mờ sáng 30/4/1975, Tiểu đoàn 6 phát loa kêu gọi nhưng địch vẫn không chịu đầu hàng. Trực tiếp chỉ huy trận đánh, Phó Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 2, Sư đoàn Sao Vàng Nguyễn Hồng Sơn ra lệnh cho hỏa lực bắn liên tục 30 phút, chi viện cho bộ đội vượt tường vào tiếp cận, dùng lựu đạn phá cửa tầng dưới, đưa đồng bào ta ra ngoài, sau đó, luồn qua các đường hẻm đánh vào bên sườn khách sạn.
Song song đó, một cánh quân được nhân dân dẫn đường, đã chiếm lĩnh điểm cao từ phía núi Nhỏ. Đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 6 dùng khẩu DKZ75 ly bắn qua cửa sổ khách sạn rồi đồng loạt xung phong đánh chiếm từng tầng lầu. Biết không thể cầm cự thêm nữa, địch đành phải kéo cờ trắng xin hàng. Hơn 400 tên xếp hàng dài từ thềm khách sạn ra đến cổng chính. Chiếm được khách sạn Palace, quân ta đã đập tan cụm quân đầu sỏ, ngoan cố nhất của ngụy quyền ở cứ điểm cuối cùng. Lúc này là 13 giờ 30 ngày 30/4/1975, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.
Những ngày sau đó, Vũng Tàu tràn ngập không khí hân hoan. Ông Phạm Quang Lập, đại diện Ban liên lạc Sư đoàn Sao Vàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh nhớ lại: “Ngày 2/5/1975, chúng tôi được lệnh tiến vào Vũng Tàu làm nhiệm vụ quân quản. Trên các ngả đường Vũng Tàu, người người đi lại đông đúc, rợp cờ, hoa, ảnh Bác Hồ... Mình đã được sống trong hòa bình rồi. Tôi ôm chầm lấy đồng đội và reo lên”.
Chị Nguyễn Đoàn Huyền Trân, lễ tân khách sạn Palace giới thiệu về tấm bia ghi công các Anh hùng liệt sĩ trong trận đánh Palace ngày 30/4. |
KÝ ỨC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN
Đã 45 năm trôi qua, nhưng ký ức về trận đánh tại cứ điểm cuối cùng của địch tại khách sạn Palace vẫn vẹn nguyên. Trong căn nhà cấp 4 (21/8, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường 3, TP.Vũng Tàu), bà Nguyễn Thị Bảy, 74 tuổi tỉ mẩn lau chùi bức di ảnh và tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng - liệt sĩ Trương Ngọc. Ông quê ở Bình Định, còn bà là người Quảng Ngãi. Hai người di cư vào Vũng Tàu sinh sống, gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng và làm nghề lưới cá trích ở Bãi Trước. Ngày 30/4/1975, cũng như mọi ngày, ông đi đánh cá nhưng mãi không thấy về. Mấy ngày sau, khi đất nước hòa bình, gia đình bà mới được người dân và bộ đội đến báo tin ông Trương Ngọc đã hy sinh khi dẫn đường cho các chiến sĩ trong trận đánh khách sạn Palace - cứ điểm cuối cùng của quân ngụy - để giải phóng Vũng Tàu. Bà không giấu nổi xúc động: “Hay tin, chân tay tôi rụng rời. Lúc đó ông nhà chỉ mới 33 tuổi. Ông ấy ra đi đột ngột, để lại vợ và 3 đứa con thơ dại. Ông sống nghĩa tình, hiền lành nên khi mất, người thân, xóm làng ai cũng tiếc thương”.
Ông Phạm Quang Lập thông tin thêm: Ông Trương Ngọc là một trong 2 người dân Vũng Tàu dẫn đường cho Đại đội 62, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng tiến đánh vào khách sạn Palace ngày 30//4/1975, nơi quân địch co cụm về cố thủ. Ngày 4/5/1978, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã tặng bằng Tổ quốc ghi công, công nhận ông Trương Ngọc là liệt sĩ.
Ngày nay, khách sạn Palace là một trong những địa điểm lưu trú du lịch nổi tiếng ở TP. Vũng Tàu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Khách đến đây ngoài tận hưởng các dịch vụ du lịch sang trọng, còn được nghe kể những câu chuyện lịch sử ác liệt mà hào hùng trong trận đánh năm xưa. Tấm bia ghi công các liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh ở khách sạn Palace là minh chứng cho trang sử hào hùng ấy.
Bài, ảnh: TƯỜNG VY