Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (6/1/1946) - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, chính thức hóa pháp lý Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 30 năm sau, ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI - Quốc hội chung của cả nước, chính thức hóa thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Tổng Bí thư Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI tại khu phố Ba Đình, Hà Nội, tháng 4/1976. |
NGUYỆN VỌNG THIẾT THA CỦA NHÂN DÂN
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dù giang sơn thu về một mối, nhưng ở 2 miền vẫn tồn tại 2 hình thức tổ chức Nhà nước với 2 Chính phủ khác nhau: Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong niềm vui chiến thắng, đất nước thống nhất về lãnh thổ, đồng bào cả nước cũng mong sớm thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Bởi chân lý: “Nước Việt Nam ta là một. Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn, đá mòn. Nhân dân Nam - Bắc là con một nhà” đã thấm sâu vào trái tim mỗi người dân Việt Nam. Hội nghị lần thứ 22, BCH Trung ương Đảng khóa II (tháng 9/1975) đã nhận thấy: “Thống nhất đất nước là nguyện vọng thiết tha bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”.
Theo ý Đảng, lòng dân, từ ngày 15 đến 21/11/1975, tại Sài Gòn, 2 miền Nam - Bắc đã mở Hội nghị Hiệp thương chính trị. Hội nghị khẳng định: “Cần hoàn thành thống nhất nước nhà... Đó là sự thống nhất trọn vẹn nhất” và đề ra chủ trương, phương hướng, giải pháp cụ thể xúc tiến thực hiện. Và ngày 3/1/1976, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 228-CT/TW làm thỏa lòng mong đợi của đồng bào cả nước: Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Và ngày lịch sử Tổng tuyển cử được chọn là 25/4/1976.
NGÀY HỘI NON SÔNG
21 năm chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Ở miền Nam, tàn dư chế độ cũ chưa được cải tạo hoàn toàn; một số phần tử ngoan cố, lôi kéo quần chúng, móc nối với các thế lực thù địch từ bên ngoài lén lút hoạt động chống phá, gây rối, kể cả hoạt động vũ trang. Vượt lên khó khăn, cả nước khẩn trương, tích cực chuẩn bị cho ngày hội non sông. Hội đồng bầu cử toàn quốc và Hội đồng bầu cử mỗi miền nhanh chóng được thành lập.
Từ tháng 2/1976, công tác vận động, tuyên truyền, cổ động Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất được triển khai rầm rộ, rộng khắp; phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày Tổng tuyển cử được phát động trên khắp các tỉnh, thành cả nước.
Trước ngày bầu cử, Báo Nhân Dân đăng lại Lời kêu gọi của Bác Hồ 30 năm trước, đã chạm đến cảm xúc của hàng triệu người: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta… Ngày mai tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Sáng 25/4/1976, mọi nẻo đường của Tổ quốc, đâu đâu cũng trang hoàng đẹp đẽ, rực rỡ cờ hoa, không khí ngày hội bầu cử tưng bừng lan tỏa. Nhiều nơi đồng bào thức dậy từ 4 giờ sáng, mặc quần áo đẹp, rủ nhau đến nơi bỏ phiếu. Nhiều cụ già tự mình đi bỏ phiếu và nhắc nhở con cháu cùng đi. Những người ốm đau, bệnh tật, già cả thì đã có hòm phiếu đưa về tận bệnh viện hoặc gia đình. Chỉ trong một buổi sáng, 98,77% cử tri cả nước thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, bầu đủ 492 đại biểu - những người xứng đáng nhất vào Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
ĐẤT NƯỚC TRỌN NIỀM VUI
Thắng lợi to lớn của Tổng tuyển cử không những mang lại niềm tự hào chính đáng cho nhân dân trong nước, cho kiều bào ở nước ngoài, mà còn gây tiếng vang khắp thế giới. Quốc hội chung của cả nước ra đời là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định trên con đường thống nhất về mặt Nhà nước. Đó là thắng lợi đường lối sáng tạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tình cảm, ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tự quyết định vận mệnh đất nước của mình.
Tổng tuyển cử cho ra đời Quốc hội khóa VI - Quốc hội thống nhất đất nước, ở bước ngoặt của cách mạng, mãi lưu giữ trong trang sử dân tộc như một mốc son. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội quyết định: Tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca… Theo đó, nước ta được đổi tên thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Sài Gòn- Gia Định được mang tên TP. Hồ Chí Minh… Từ đây, đồng bào cả nước chung một tên nước, một màu cờ, hát cùng một bài Quốc ca… như Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đánh giá: “Với thắng lợi của kỳ họp này, chúng ta đã thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước”.
Và cũng từ thời khắc lịch sử này, đất nước trọn vẹn niềm vui thống nhất.
NGUYỄN QUANG PHI