Học ngoại ngữ theo gương Bác Hồ

Thứ Hai, 06/04/2020, 20:55 [GMT+7]
In bài này
.

Các Mác, Ăng ghen, Lênin - những vĩ nhân của nhân loại đều thành thạo nhiều ngoại ngữ và Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là ngoại lệ. Với vốn ngoại ngữ phong phú đã giúp các lãnh tụ thành công trên con đường nghiên cứu khoa học lý luận và hoạt động giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng loài người khỏi ách nô lệ, lầm than.

5.jpg
Bằng những phương pháp sáng tạo, Bác Hồ đã thành thạo rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ảnh tư liệu

HỌC NGOẠI NGỮ ĐỂ LÀM CÁCH MẠNG

Qua 4 châu lục, 3 đại dương trên hành trình tìm đường cứu nước, đặt chân đến đâu, việc đầu tiên của Bác Hồ là học ngoại ngữ và sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp, tìm hiểu, khám phá vùng đất, con người, văn hóa; tiếp nhận và truyền bá thông tin; biến ngoại ngữ thành vũ khí chiến đấu và đúc rút cho mình bao điều mới lạ, bổ ích.

Làm cách mạng, Người quyết chí học ngoại ngữ và học ngoại ngữ để trợ giúp Người hoạt động cách mạng. Người học tiếng Pháp trong lòng nhân dân Pháp, sau những ngày lao động mệt nhọc, đói rét, qua những người bạn, sách báo, dưới ánh đèn yếu ớt hay dưới ánh trăng trong đêm khuya. Tiếng Pháp giúp Người hòa nhập với bản xứ; tạo lập mối quan hệ với các nhà chính trị, cách mạng, khoa học, ngoại giao, viện sĩ, nghệ sĩ, giáo sư... Người viết nhiều tác phẩm nổi tiếng bằng tiếng Pháp: “Đông Dương”, “Bản án chế độ thực dân Pháp” và hàng trăm bài báo, truyện ngắn, thư từ. Tiếng Pháp giúp Người bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm được đường đi đúng đắn cho dân tộc, kết nối tình đoàn kết với nhân dân thuộc địa trên thế giới.

Người đến xứ sở sương mù “để học tiếng Anh”. Dù phải làm đủ các nghề kiếm sống, gian lao, đói rét, không trường, không lớp, Người vượt qua tất cả để học bằng được thứ tiếng quan trọng và phổ biến trên thế giới. Người kể lại: Hàng ngày 4 giờ sáng thức dậy, Người viết lên cánh tay dăm từ tiếng Anh, đến 10 giờ đêm khi xong việc cũng là lúc đã học thuộc và Người xóa đi. Có đêm Người ra công viên “vì ở đó rất lạnh, nên khi học không buồn ngủ”. Cứ thế, Người miệt mài tự học và sử dụng thành thạo tiếng Anh để tiếp xúc, nghiên cứu lịch sử, văn hóa thế giới, dịch tài liệu, đọc báo, nghe radio, họp báo và sau này làm việc trong Quốc tế cộng sản, với các nước Đồng minh, xử lý các mối quan hệ quốc tế khác.

Tháng 6/1923 đến Liên Xô, Người bắt đầu học tiếng Nga. Chỉ hai ngày sau, Người đã nói được những câu thông thường bằng tiếng Nga. Tiếng Nga nâng bước Người  nhiều năm theo học Trường ĐH Quốc tế Lênin, nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu các vấn đề thuộc địa; giúp Người nghiên cứu sâu hơn học thuyết Mác-Lênin, tìm hiểu nước Nga XHCN, giao tiếp, viết báo, dịch sách, làm phiên dịch…

Cuối năm 1924, Bác về Quảng Châu, Trung Quốc với tư cách là cố vấn cho phái đoàn cán bộ Liên Xô, kiêm phóng viên hãng Rosta. Người miệt mài học tiếng Trung, không ngần ngại nói chuyện và thường xuyên làm việc bằng tiếng Trung. Người thành thạo cả tiếng địa phương Quảng Đông, Quảng Tây, làm thơ bằng chữ Hán, dùng tiếng Trung để giảng dạy lý luận, dịch thuật, thiết lập quan hệ hữu nghị với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc.

Cho đến nay, chưa biết chính xác Bác có bao nhiêu ngoại ngữ và cũng rất khó để xác định điều này. Chỉ biết bất cứ lúc nào, không bỏ phí một chút cơ hội, thời gian để học ngoại ngữ, đến những ngày cuối cùng, nằm trên giường bệnh, Người vẫn tự học tiếng Tây Ban Nha. Ngoài tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung, Người còn biết tiếng Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả rập, Xiêm… Đi đến đâu Người cũng biến nơi đó thành “trường học”; tới nước nào, hầu như Người đều giao tiếp thông thường bằng tiếng nước đó. Người là thiên tài và là tấm gương mẫu mực kiên trì, vượt khó, vượt khổ học ngoại ngữ - học để tìm đường cứu nước, học để làm cách mạng!

HỌC VÌ TỔ QUỐC HÙNG CƯỜNG

Ngôn ngữ là văn hóa, là công cụ giao tiếp chủ yếu và quan trọng bậc nhất của con người. Biết thêm một ngoại ngữ là mở ra một chân trời mới, kết nối con người với con người, nền văn hóa này với nền văn hóa khác, nền kinh tế này với nền kinh tế khác và dân tộc này với dân tộc khác. 

Ngày nay, ngoại ngữ giúp con người mở cửa bước ra thế giới để rộng tầm nhìn, tư duy, giao tiếp, trao đổi, khám phá. Ngoại ngữ như chiếc “chìa khóa vàng” hội nhập thời cách mạng 4.0.

Là công dân Việt Nam, trong đó có cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ phải noi gương Bác, tự giác, chịu khó, kiên trì, hăng say, học suốt đời để ít nhất thành thạo một ngoại ngữ. Đó là con đường rộng mở cơ hội cho chính bản thân và góp phần đưa đất nước sớm thành công trên con đường hội nhập.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.