Phiên họp toàn thể lần thứ 27 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã khai mạc sáng 16/4. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. Ảnh: PHƯƠNG HOA |
Trong phiên làm việc sáng 16/4, Ủy ban đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 (Chương trình) và một số đề nghị, kiến nghị xây dựng luật của đại biểu Quốc hội.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chương trình năm 2021 gồm 8 dự án luật, pháp lệnh. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua tại Kỳ họp này là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, do đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, thường chỉ kéo dài 2 tuần và Quốc hội sẽ tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự, nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình kỳ họp này.
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình 1 dự án Luật để thông qua là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến 5 dự án Luật gồm: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo (rút ra khỏi Chương trình 1 dự án; bổ sung 8 dự án, dự thảo và thay đổi phạm vi sửa đổi với 1 dự án).
Theo đó, Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Lý do là nội dung của dự án Luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh...
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào Chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế, chậm được khắc phục như: tính dự báo của Chương trình không cao, chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ trong ngắn hạn; việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung thêm dự án vẫn diễn ra phổ biến, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội; việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp...
Các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, đồng thời đóng góp các ý kiến vào quá trình chuẩn bị của một số dự án luật cụ thể.
Về đề nghị rút khỏi Chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, các đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết việc thi hành Luật Đất đai kỹ lưỡng hơn, nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập, vướng mắc để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
PHAN PHƯƠNG