Phát huy dân chủ trong đại hội Đảng
Là người chỉ đạo Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ II và thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại dấu ấn sâu đậm về phong cách làm việc dân chủ, tập hợp tối đa trí tuệ tập thể để Đảng có quyết sách đúng, lãnh đạo cách mạng đến thành công.
Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. (ảnh tư liệu) |
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG
Đại hội lần thứ II (2/1951) và lần thứ III (9/1960) của Đảng, với tư cách là người chỉ đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại phương pháp, nề nếp làm việc khoa học, dân chủ. Người luôn xác định đúng nội dung trọng tâm; dành thời gian tối đa và hướng đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề chính yếu; lắng nghe, tôn trọng và không để lọt bất cứ ý kiến nào, nhất là tư duy mới, dù chỉ phôi thai.
Hoan nghênh đại biểu về chiến khu Việt Bắc - “Thủ đô gió ngàn” dự Đại hội và Người hết sức đồng cảm: “Đã lâu lắm rồi ta mới có một Đại hội, vì vậy chắc chắn ai có ý kiến gì, kinh nghiệm gì, vấn đề gì cũng muốn đưa ra giải quyết”. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, Người yêu cầu khi thảo luận đại biểu cần tập trung: “Nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính”; “Bàn kỹ, xét kỹ tư tưởng, chính sách, phương châm và tổ chức chính”, “Tìm hiểu rõ nội dung, sự phát triển, mối quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác”; không nên “Tầm chương trích cú như lối ông đồ Nho”. Đại hội Đảng rất hệ trọng đến tương lai của Đảng và dân tộc, “Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để bảo đảm Đại hội thành công”; để làm sao sau Đại hội: “Đảng ta đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa”.
Người định hướng nội dung rõ ràng để đại biểu đi sâu, bàn bạc, thống nhất, quyết định những vấn đề quan trọng nhất: “Đại hội ta là Đại hội kháng chiến. Nhiệm vụ chính của Đại hội là đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó”. Sau này, đại biểu dự Đại hội đánh giá: “Nhiều vấn đề gay go đã thu hút hết cả tâm trí mọi người. Đại hội là một cuộc miệt mài suy luận tập thể”. Đại hội II đã quyết định đường lối đúng, mở đường cho kháng chiến, kiến quốc kết thúc thắng lợi.
Vấn đề gay cấn nhất: Tách Đảng Cộng sản Đông Dương ra thành 3 đảng độc lập; Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam. Đại biểu bàn luận rất sôi nổi, có lúc tranh luận căng thẳng, bởi quan điểm không giống nhau, thậm chí khác biệt nhau. Bằng uy tín, trí tuệ và cách thức đề cao, mở rộng dân chủ, lắng nghe tất cả, Người đã quy tụ tối đa trí tuệ, tạo sự thống nhất cao và Đại hội đã quyết định sáng suốt những nội dung hệ trọng của Đảng, của dân tộc.
Sau khi đồng chí Trường Chinh luận giải thêm việc đổi tên Đảng, một số đại biểu còn ý kiến khác. Người giải thích: “Chúng ta phải có một đảng công khai… đảng đó phải lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam”. Việc đổi tên Đảng để phù hợp hoàn cảnh lịch sử mới. Đổi tên nhưng bản chất không thay đổi: Mục đích của Đảng vẫn là đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc; nhiệm vụ của Đảng là lãnh đạo kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công; chính sách của Đảng vẫn là làm cho nước ta độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường. Người không áp đặt ý kiến cá nhân, mà dành thời gian và khuyến khích đại biểu tiếp tục bàn thảo để đi đến thống nhất. Đại biểu được tự do tranh luận, bày tỏ chính kiến; Người lắng nghe, thấu cảm, thuyết phục hợp lý, hợp tình. Bầu không khí làm việc của Đại hội làm hài lòng và nhận được sự đồng thuận cao từ đại biểu.
Đại hội lần thứ III (9/1960) tinh thần dân chủ tiếp tục được phát huy. Người trực tiếp chỉ đạo các cuộc thảo luận tại Đại hội, tham gia thảo luận với các tổ. Người chỉ rõ: “Đảng ta thành tích khá nhiều, nhưng khuyết điểm cũng không ít. Chúng ta cần phải thật thà tự phê bình để sửa chữa. Phải cố sửa chữa để tiến bộ”. Người đòi hỏi: “Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên trình bày hết ý kiến của mình”, “Trước khi thảo luận mỗi đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ các bản dự thảo”. Đại hội III, dưới sự chỉ đạo của Người đã hoàn thành sứ mệnh: “Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”.
PHÁT HUY DÂN CHỦ THEO TƯ TƯỞNG VÀ PHONG CÁCH CỦA NGƯỜI
Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nêu rõ: Đại hội Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, do vậy “Thông qua Đại hội Đảng bộ các cấp, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; củng cố tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.
Trung ương yêu cầu: Quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội phải phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng. Nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng gióp của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào dự thảo văn kiện cấp mình và tổ chức đảng cấp trên. Công khai, minh bạch, thật sự dân chủ và có trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân trong việc giới thiệu, đề cử những đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực nhất vào danh sách bầu cử cấp ủy nhiệm kỳ mới.
Phải “Nhìn thẳng vào sự thật”, để đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện kết quả lãnh đạo đạt được trong nhiệm kỳ qua; rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sâu sắc; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát thực tế, tính khả thi cao. Đại hội “dành thời gian thỏa đáng, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận; bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả, tránh “qua loa”, hình thức; các ý kiến khác nhau cần dành thời gian thảo luận, tranh luận, làm rõ, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng”.
Thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, là trở về với tư tưởng, phong cách làm việc dân chủ Hồ Chí Minh. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để Đại hội các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra thành công như kỳ vọng.
NGUYỄN QUANG PHI