Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi)

Thứ Hai, 23/03/2020, 22:17 [GMT+7]
In bài này
.

Tại Phiên họp thứ 43 diễn ra vào ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Dự án Luật hiện được xây dựng gồm 7 chương với 78 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, đóng góp vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ;...

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật DN (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật DN (sửa đổi). Dự thảo Luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 10 chương với 213 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và DN tư nhân; quy định về nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Đối tượng áp dụng của luật là: các DN, hộ kinh doanh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN, hộ kinh doanh.

Dự luật cũng nêu lên quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, như: Cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, yêu cầu người thành lập DN nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của luật này; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập DN và hoạt động kinh doanh của DN; ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của DN thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của luật này và điều lệ công ty. Hoạt động kinh doanh dưới hình thức DN mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN...

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị không quy định DN khởi nghiệp có quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ.

HOÀNG HOA

;
.