Sáng 23/3, Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã khai mạc tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Báo cáo tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết: Ngay từ đầu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm rất cao do có đường biên giới và giao lưu, giao thương rất nhộn nhịp với Trung Quốc. Ở giai đoạn sau, do độ mở nền kinh tế lớn và quan hệ họp tác rất sâu rộng kể cả với các nước, khu vực được coi là ổ dịch mới như Hàn Quôc, EU nên nguy cơ vẫn rất cao.
Căn cứ theo tình hình dịch, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh như: Từng bước điều chỉnh chính sách thị thực nhập cảnh đối với các nhóm đối tượng đến từ các nước, khu vực; điều tiết, hạn chế hàng không; thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với khách nhập cảnh; vận động, khuyến cáo người Việt Nam hạn chế ra nước ngoài, về nước...
Ngành Y tế (bao gồm cả quân y và y tế công an) đã lên phương án, kế hoạch phân tuyến điều trị trên tinh thần phân tán, không tập trung bệnh nhân vào tuyến trên; sử dụng công nghệ thông tin và các đội ứng phó nhanh để hỗ trợ tuyến dưới. Thường xuyên hội chẩn, hoàn thiện phác đồ điều trị. Thực hiện kết hợp điều trị bệnh với động viên tinh thần, chăm sóc toàn diện người bệnh. Đến nay, chưa có tử vong.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID - 19 báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Việt Nam là nước thứ tư sau Trung Quốc, Nhật Bản và Australia thực hiện tập trung nghiên cứu, phân lập và nuôi cấy thành công chủng virus COVID-19. Sản xuất đưa vào sử dụng bộ kít phát hiện vi rút COVID-19 theo tiêu chuẩn của WHO. Huy động các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng phục vụ việc hướng dẫn phòng bệnh, thông tin về người có nguy cơ lây nhiễm cần được cách ly, hỗ trợ công tác ngăn chặn, phát hiện và công tác khám chữa bệnh...
“Nhờ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Đến ngày 22/3, cả nước đã có 113 ca nhiễm, 17 ca khỏi, 10 ca âm tính 1 và lần 2 lần, có 4 ca nặng. Trong số những ca mắc bệnh, điều đáng nói là gần đây có tới 39 ca khi mắc dịch được cách ly ngay từ khi nhập cảnh về và tới đây sẽ còn nhiều trường hợp tương tự. Có ngày có thể có vài chục ca được công bố mắc dịch, nhưng những ca đó đã được quản lý ở khu cách ly tập trung, không đáng lo ngại. Nhưng nếu ca ở trong cộng đồng thì mới là điều đáng lo ngại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình hiện nay đã có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần có giải pháp cụ thể phù hợp: Kể từ ngày 20/3 khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã từng bước thực hiện cơ bản kiểm soát chặt chẽ thị thực, quy định cách ly đối với người nhập cảnh từ tất cả các nước, việc kiểm soát bệnh thâm nhập từ bên ngoài bớt khó khăn hơn.
Tuy nhiên, đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam (gần 100.000 người từ Hoa Kỳ và châu Âu). Mặt khác, tới đây vẫn sẽ còn một lượng đáng kể người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và phục vụ các yêu cầu từ phía Việt Nam (như các chuyên gia, cán bộ quản lý dự án, doanh nghiệp), cần có hình thức, quy định cách ly phù hợp đảm bảo không lây nhiễm. Do dịch bệnh đã thâm nhập vào bên trong, nên việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn rất khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp (người nhiễm bệnh chưa đi ra nước ngoài, không biết mình có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay không).
Do tình hình dịch và kể cả chính sách với người nước ngoài của các nước châu Âu, Hoa Kỳ khác với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nên mặc dù đã chủ động tuyên truyền để người Việt Nam hạn chế tối đa về nước, nhưng nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài các giải pháp như đã thực hiện ở giai đoạn trước đây, cần phải tăng cường, chú trọng hơn các nhóm giải pháp sau: Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng, hạn chế tối thiểu người tử vong”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Qung cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Ghi nhận về công tác phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Thời gian qua, Quốc hội luôn theo dõi sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các hoạt động của Chính phủ trong việc phòng chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời thăm hỏi thân thiết tới những cán bộ y tế, các y bác sĩ ở tuyến đầu; những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và các lực lượng khác đang ngày đêm quyết liệt ngăn chặn, phòng chống dịch.
“Tôi đánh giá cao hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ đã phải rời doanh trại để ngủ bạt, ngủ rừng để nhường chỗ cho những người dân về cách ly”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 07 dự án Luật, trong đó có 06 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và 01 dự án Luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến là dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về 04 nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách gồm: việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính; cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao.
Theo TTXVN