Mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, tìm và khai thác lợi thế so sánh
Ngày 19/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề “Truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh BR-VT; các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới”. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 22 bài tham luận của các ban, ngành, địa phương; các trường ĐH, CĐ, Học viện Chính trị khu vực II và một số chuyên gia. Dưới đây, Báo BR-VT trân trọng giới thiệu lược trích bài tham luận của ông Nguyễn Quang Phi, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh.
Gần 30 năm kể từ ngày thành lập (8/1991), Đảng bộ tỉnh BR-VT đã xây dựng nhiều truyền thống quý, trong đó việc mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo, tìm và khai thác lợi thế so sánh, đưa nền kinh tế của tỉnh nhà luôn ở top đầu cả nước.
TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC
6 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh BR-VT, cũng là 6 nấc thang tầm nhìn, tư duy nhận thức trong việc tìm kiếm, xác định thế mạnh của địa phương. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (4/1992) gấp rút, nhưng Đảng bộ đã sớm biết dựa vào biển: “Khai thác có hiệu quả các lợi thế của địa phương, đặc biệt là lợi thế về dầu khí, cảng biển, du lịch, đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế”. Trong đó: “Phải làm tốt các dịch vụ dầu khí”, “Kinh tế dịch vụ dầu khí là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (5/1996) đã khẳng định thêm thế mạnh mới: “Quy hoạch, đầu tư phát triển mạnh ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế địa phương”. Khi dân chủ tiếp tục được mở rộng, thì trí tuệ, sức sáng tạo của Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trên địa bàn càng được phát huy. Đại hội Đảng bộ lần thứ III (1/2001), ghi dấu ấn tư duy đột phá, hé mở tầm nhìn về lợi thế so sánh mới: Xây dựng BR-VT “Cơ bản trở thành thương cảng quốc gia và quốc tế”, “Tăng cường khai thác các cảng biển” và “hoàn chỉnh dần hệ thống cảng biển”. Dù chỉ phôi thai, nhưng tư duy này đã đặt nền móng cho Đại hội IV, V, VI của Đảng bộ tập trung phát triển, cụ thể hóa để khai thác tiềm năng to lớn mà thiên nhiên ban tặng.
Đại hội Đảng bộ lần thứ IV (12/2005) chủ trương: “Phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và hệ thống cảng Thị Vải- Cái Mép”, “Ưu tiên phát triển các loại hình “Dịch vụ cảng, hàng hải, vận tải, sửa chữa tàu thuyền”. Đến Đại hội lần thứ V (10/2010), khi thực tiễn chứng minh những chủ trương về lợi thế so sánh của tỉnh là đúng, Đảng bộ quyết định: “Phát huy lợi thế biển, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng dịch vụ, xác định phát triển cảng là nhiệm vụ trung tâm”.
Vấn đề khai thác có hiệu quả lợi thế về cảng biển đã được đặt ra từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I.
Trong ảnh: Tàu vào làm hàng tại Cảng PTSC Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ). Ảnh: ĐỨC NGUYÊN
|
Nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VI (2015-2020), Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định: Đưa “BR-VT trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước”, “Phát triển công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và dịch vụ du lịch là nhiệm vụ trọng tâm”; “Tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics”.
Biển, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng là thế mạnh được ví như chiếc “chìa khóa vàng” đưa BR-VT bay nhanh, bay bền vững, bay xa và bay cao, trở thành nền kinh tế luôn đứng vào top đầu của cả nước. Thành quả đó là trí tuệ của Đảng bộ, quân và dân tỉnh BR-VT. 30 năm, khoảng thời gian không dài, nhưng đã ghi dấu ấn vào trang sử Đảng bộ thêm một truyền thống quý báu: Luôn mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo, khai thác hiệu quả các nguồn lực nhằm tập trung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
TIẾP TỤC MỞ RỘNG DÂN CHỦ, PHÁT HUY SÁNG TẠO
Nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng quê hương giàu đẹp, hiện đại, văn minh, theo chúng tôi, Đảng bộ tỉnh cần thực hiện:
Thứ nhất, Đảng bộ cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc mang tính kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ. Muốn mở rộng dân chủ trong xã hội thì trong Đảng phải dân chủ; muốn có dân chủ trong Đảng, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy các cấp phải mang tư tưởng và hành động dân chủ. Bởi cấp ủy Đảng là hạt nhân, trung tâm của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, thống nhất, do vậy Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 phải dân chủ, sáng suốt bầu cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy xứng đáng nhất, để làm nền tảng mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trên địa bàn.
Thứ hai, tiềm năng trí tuệ trong tỉnh rất lớn. Vấn đề là Đảng bộ cần có cơ chế, cách thức thích hợp để khơi dậy, quy tụ, phát huy tối đa nguồn lực trí tuệ của nhân dân; của cán bộ, đảng viên; cán bộ lão thành cách mạng và đội ngũ trí thức hiện có. Phải gần dân, tôn trọng, lắng nghe dân, học và hỏi ý kiến nhân dân trước khi ra các quyết định.
Thứ ba, trong điều kiện duy nhất một Đảng lãnh đạo, rất cần sự phản biện của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Nhưng để phản biện thật sự có hiệu quả thì Đảng bộ và chính quyền cấp tỉnh có quy định cụ thể, rõ ràng. Mặt trận cùng các đoàn thể các cấp phải đủ năng lực và bản lĩnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ phản biện.
Thứ tư, nghiên cứu để có khái niệm “trí thức” hoàn chỉnh, nhằm “không bỏ sót một ai, không quên một trí thức nào” trong quá trình xây dựng quê hương. Luôn coi trọng khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, trong đó cần đầu tư cho khoa học xã hội đúng mức hơn, bởi lý luận luôn có vai trò dẫn đường, chỉ lối cho hành động. Ngoài việc phát huy tiềm năng trí tuệ sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, cần kêu gọi, mở rộng cánh cửa đón tiếp các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về với BR-VT, góp sức xây dựng quê hương hội nhập sâu cùng cả nước, với khu vực và thế giới.
NGUYỄN QUANG PHI