Mạnh dạn sử dụng cán bộ có triển vọng
Ngày 27/3, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ và công tác kết nạp đảng viên” và Hội thảo chuyên đề về công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ, lãnh đạo nữ các cấp tỉnh BR-VT. Đây là 2 trong số các hội thảo chuyên đề nhằm đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cán bộ trẻ, lãnh đạo trẻ cần được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ lẫn lý luận chính trị. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao Bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung C19, khóa 2017-2019 cho các công chức. Ảnh: TUỆ LÂM |
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Lưu Tài Đoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, tính đến 15/2, tổng số cán bộ, công chức (CBCC) trẻ từ 40 tuổi trở xuống trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Đoàn thể từ cấp tỉnh đến huyện là 1.355/2.845, chiếm 47,63%, trong đó có 21,58% CBCC trẻ giữ các vị trị lãnh đạo, quản lý. Tổng số CBCC nữ trong các cơ quan này cũng chiếm 41,41%, tương đương 1.178/2.845 người. Những con số này đã thể hiện sự đổi mới về công tác cán bộ, đặc biệt là việc bố trí, sử dụng, quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Tuy nhiên, công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ và lãnh đạo nữ vẫn còn những hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, cấp ủy chưa nhận thức đúng và toàn diện về đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ cũng như xây dựng nguồn lực kế cận trong công tác lãnh đạo, quản lý. “Nhiều nơi chưa mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, còn có biểu hiện thiếu tin tưởng, ngại giao việc. Đưa vào nguồn nhưng thiếu quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trao cơ hội thử thách hoặc tỷ lệ quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ cao nhưng bố trí, sử dụng, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý chưa nhiều”, ông Lưu Tài Đoàn nêu thực trạng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũng Tàu thông tin, tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy vẫn chưa bảo đảm theo quy định (không dưới 15%). Nhiệm kỳ 2015-2020, số cán bộ trẻ dưới 35 tuổi được bầu vào BCH Đảng bộ TP. Vũng Tàu mới chỉ đạt 4,7% (2/43 đồng chí). Cơ cấu cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nhìn chung còn còn thấp. Nguyên nhân là do nguồn quy hoạch còn thiếu so với yêu cầu. Một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác phát triển nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ; chưa xây dựng được các chế độ, chính sách nhằm thu hút cán bộ trẻ có năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc. Bà Yến cho biết thêm: “Mặt khác, nhiều cán bộ trẻ, tuy được đào tạo cơ bản nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tế và kỹ năng lãnh đạo, giải quyết công việc thường lúng túng, thiếu quyết đoán. Một số người còn tự ti, an phận, chưa chủ động phấn đấu, vươn lên để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý. Đây cũng là những rào cản, ảnh hưởng đến công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ và nữ”.
PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Trước những khó khăn, hạn chế của công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công tác này trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến cho rằng các thế hệ cán bộ đi trước cần khắc phục tư tưởng xem nhẹ lớp cán bộ trẻ, cán bộ nữ; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về công tác, môi trường làm việc, giúp cán bộ trẻ và cán bộ nữ phát triển và trưởng thành. Việc quy hoạch cán bộ trẻ và nữ phải gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Bên cạnh đó, cần đổi mới, kiên trì và kiên quyết trong việc tạo nguồn, phát hiện nhân tố tích cực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ; mạnh dạn đề bạt những cán bộ nữ có triển vọng.
Cần nâng cao hiệu quả công tác sử dụng cán bộ nữ. Việc phân công công việc cho phụ nữ cần bảo đảm đúng người, đúng việc, bố trí công việc đúng năng lực, trình độ, đúng vị trí việc làm. Cần tin tưởng và mạnh dạn giao cho phụ nữ tham gia và phụ trách đa dạng các lĩnh vực công việc của địa phương để phát huy hết trình độ và những thế mạnh về năng lực, phẩm chất của phụ nữ trong công việc.
(TS. Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc
Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại TP.HCM)
|
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp mạnh mẽ hơn: “Sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy không chỉ thể hiện ở lời nói mà cần có những hành động cụ thể như thường xuyên định hướng trong công tác cán bộ, kiên quyết không phê duyệt các phương án nhân sự khi chưa bảo đảm đủ chỉ tiêu về cán bộ nữ. Cùng với đó, cần xây dựng và áp dụng chế tài xử lý đối với người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về công tác tổ chức cán bộ nếu đơn vị, địa phương không đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ đã được đặt ra”.
Ở chiều ngược lại, TS Thân Thị Ngọc Phúc, Học viện Hành chính quốc gia phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến CBCC nữ cần khắc phục tâm lý tự ti. CBCC nữ phải biết nắm bắt cơ hội học tập để nâng cao kiến thức và năng lực cá nhân; có tâm lý tích cực hơn trong công việc, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Chị em phải có suy nghĩ sáng tạo, tin vào bản thân, có ý thức giúp nhau cùng tiến bộ. Đây là những tiền đề quan trọng để người phụ nữ hoàn thiện về năng lực, bản lĩnh, phẩm chất cần thiết, tạo cơ sở vững chắc về chất và lượng cho việc đưa cán bộ, công chức nữ đủ năng lực, phẩm chất vào công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo”, TS Thân Thị Ngọc Phúc khích lệ.
Cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ. Phụ nữ chiếm hơn 50% dân số, chính vì vậy, để phát huy vai trò của lực lượng to lớn này cần phải có đội ngũ cán bộ nữ đủ tâm, đủ tài để lãnh đạo, quản lý họ. Bởi chỉ có nữ lãnh đạo, quản lý mới có thể hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng, tình cảm để đồng cảm với phụ nữ, quan tâm đến những vấn đề của phụ nữ. Quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức về những nội dung này có ý nghĩa quyết định tới công tác tạo nguồn nữ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh hiện nay.
(TS. Hồ Thị Song Quỳnh, Học viện Chính trị khu vực II)
|
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, Đề án vị trí việc làm quy định CBCC phải có trình độ phù hợp với vị trí đảm nhiệm. Trong khi đó, thời gian chuyển từ cán sự lên chuyên viên, từ chuyên viên lên chuyên viên chính, rồi chuyên viên cao cấp là một quá trình dài. Ai không đáp ứng đủ các điều kiện bắt buộc thì không cơ cấu được nên cán bộ trẻ rất hiếm. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, đưa nhiều người đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Đề án dự kiến đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ nhưng chỉ 50 người đủ điều kiện, trong đó có 30 người sau khi học xong trở về công tác tại các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, việc tuyển thẳng CBCC cũng rất khó khăn do tiêu chuẩn được tuyển dụng quá cao, phải là SV xuất sắc. Mặt khác, cán bộ nữ có nhiều rào cản nhưng rào cản lớn nhất là do người phụ nữ còn nặng gánh gia đình. Do vậy, việc đào tạo cán bộ nữ phải theo nhu cầu chứ không phải theo chỉ tiêu được giao.
Với trên 60% CBCCVC trẻ đang làm việc và cống hiến trong hệ thống chính trị của tỉnh, tỉnh BR-VT có một nguồn lực cán bộ trẻ dồi dào đã và đang đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, để bồi dưỡng, phát hiện và xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ có khả năng dẫn dắt, định hướng và thúc đẩy hành động vì mục tiêu chung rất cần sự kết hợp đồng bộ các giải pháp và sự quyết tâm thực hiện của tất cả các cơ quan, ban, ngành và bản thân đội ngũ CCVC trẻ. Qua đó, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
(Câu lạc bộ cán bộ trẻ tỉnh)
|
HỒNG PHƯƠNG - KHÁNH CHI