.

Tiếp sức thanh niên lập thân, lập nghiệp

Cập nhật: 20:25, 10/02/2020 (GMT+7)

Nhờ sự chung sức của Hội Doanh nhân trẻ và Hội LHTN Việt Nam tỉnh thông qua “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, nhiều ĐVTN đã xây dựng được những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. 

Nhờ nguồn vốn 50 triệu đồng từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, anh Huỳnh Trung Tấn (SN 1991, ở tổ 40, thôn Hoàng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) có điều kiện thực hiện mô hình “Nuôi bò, dê thương phẩm” cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Ảnh: MINH NHÂN.
Nhờ nguồn vốn 50 triệu đồng từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, anh Huỳnh Trung Tấn (SN 1991, ở tổ 40, thôn Hoàng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) có điều kiện thực hiện mô hình “Nuôi bò, dê thương phẩm” cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Ảnh: MINH NHÂN.

ĐIỂM TỰA TỪ VỐN VAY KHÔNG TÍNH LÃI

Trước đây, anh Hồ Công Thọ (SN 1985, tổ 62, ấp Hậu Cần, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) từng làm nhiều công việc cho thu nhập cao ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Do gia đình neo người, anh nghỉ việc về quê làm vườn để gần gũi và thuận tiện chăm sóc cha mẹ. Trước tình trạng “được mùa- rớt giá” của cây tiêu, anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế nhằm ổn định cuộc sống ngay tại quê hương thay vì chỉ trông chờ vào 1,8 sào tiêu do cha mẹ để lại. Nhận thấy việc nuôi dê kết hợp trồng tiêu sẽ tận dụng được nguồn thức ăn từ nọc cây tiêu và phân bón từ chất thải của dê sẽ giúp cây tiêu sai hạt và cải tạo được đất, tháng 11/2018, anh Thọ mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn để nuôi dê kết hợp trồng tiêu. Sau đó, anh đã được Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho vay 40 triệu đồng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và chịu khó học hỏi kinh nghiệm, đàn dê của anh Thọ ngày một phát triển và sinh sản tốt. Hiện nay, anh Thọ có đàn dê gần 100 con, cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Cuối năm 2019, anh đã trả được vốn vay đúng hạn và đang làm hồ sơ xin vay tiếp để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Trong khi đó, anh Trần Duy Tuấn (SN 1989, tổ 37, thôn Hoàng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) lại lập nghiệp từ nghề may gia công. Có thời gian làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, anh Tuấn nhận thấy nhu cầu về may gia công của các DN may mặc là rất lớn. Trong khi đó, nhiều lao động nông thôn tại địa phương gặp khó khăn về việc làm. “Điều đó khiến tôi luôn nung nấu ý tưởng trở về quê hương mở xưởng may gia công để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương”, anh Tuấn chia sẻ. 

Anh Trần Duy Tuấn hướng dẫn công nhân may gia công tại xưởng may của gia đình.
Anh Trần Duy Tuấn hướng dẫn công nhân may gia công tại xưởng may của gia đình.

Thời gian đầu, do thiếu vốn nên anh Tuấn mua 5 máy may và nhận hàng đã cắt sẵn từ các cơ sở may mặc ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh về may gia công. Tháng 10/2018, qua sự giới thiệu của Hội LHTN Việt Nam huyện Châu Đức, anh Tuấn được “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” cho vay 70 triệu đồng không tính lãi trong 12 tháng. Có vốn, anh Tuấn mạnh dạn mua thêm máy cắt, 5 máy may và tìm kiếm, mở rộng mối hàng… Sau gần 1 năm, xưởng may của anh Tuấn đã có nhiều đơn hàng trực tiếp, mang lại cho anh thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA THANH NIÊN

Dự án “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh triển khai từ đầu năm 2015 nhằm khuyến khích tinh thần kinh doanh, cổ vũ khát vọng làm giàu cho thanh niên. Quỹ có sự hợp tác của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh thông qua hình thức vận động hội viên sử dụng vốn nhàn rỗi của DN cho ĐVTN vay không tính lãi. Khi có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, ĐVTN lập hồ sơ, gửi về Hội LHTN Việt Nam cấp huyện và trình bày ý tưởng kinh doanh của mình. Sau khi thẩm định và xét duyệt, Hội LHTN Việt Nam tỉnh sẽ phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh kêu gọi các hội viên cho dự án lập nghiệp của ĐVTN vay. Tùy vào mô hình, ĐVTN được vay từ 30-90 triệu đồng/dự án, thời hạn vay không quá 12 tháng và phải hoàn trả vốn đúng thời hạn.

Từ năm 2015 đến nay, “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” đã vận động được 1,1 tỷ đồng và giúp 21 dự án cá nhân, 1 dự án tập thể của ĐVTN ở vùng xa khởi nghiệp, trong đó có 16 dự án phát triển bền vững và đã thu hồi vốn đúng thời hạn. Có thể kể đến các dự án như: “Nuôi dê thịt” của anh Phạm Trung Hiếu (xã Xà Bang, huyện Châu Đức); “Nuôi bò sinh sản” của anh Mai Quốc Cường (xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ); “Thiết kế, in ấn đồng phục” của anh Nguyễn Trường Thịnh (phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa); “Quán cà phê, trà sữa” của chị Huỳnh Thị Thu Sương (xã Suối Rao, huyện Châu Đức)…

Nhờ được vay 50 triệu đồng từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, anh Mai Quốc Cường (SN 1988, ở ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) đã xây dựng được mô hình nuôi bò sinh sản cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Nhờ được vay 50 triệu đồng từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, anh Mai Quốc Cường (SN 1988, ở ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) đã xây dựng được mô hình nuôi bò sinh sản cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

“Để tạo điều kiện cho ĐVTN vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống, Hội LHTN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ kêu gọi các hội viên tham gia góp Quỹ, đồng thời nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng để ngày càng có nhiều ĐVTN khởi nghiệp thành công”, anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh cho biết.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.