Thủ đoạn lợi dụng "xã hội dân sự" để chống phá chế độ

Thứ Ba, 25/02/2020, 20:51 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nước ta có gần 400 hội, hàng ngàn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội. Về bản chất, xã hội dân sự (XHDS) là hoạt động trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý vì mục tiêu khẳng định quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội và Nhà nước. Nhưng nhằm chống phá chế độ, những năm qua, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng XHDS để thực hiện “diễn biến hòa bình”; trong đó, lợi dụng các quyền cơ bản của con người như: Quyền lập hội, quyền công dân, quyền tự do báo chí.

Các thế lực thù địch coi việc hình thành XHDS độc lập về chính trị là điều kiện, tiền đề cho việc đảm bảo quyền con người, cổ súy tự do cá nhân thông qua thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình…

Họ đặc biệt cổ súy quyền bày tỏ chính kiến không giới hạn và liên kết hình thành các tổ chức “độc lập” tham gia vào đời sống cộng đồng, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; lập các hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích thu hút được các tầng lớp, thành phần xã hội tham gia như: “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”… Thông qua các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội để công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia.

Mặc dù hoạt động theo phương thức tự phát nhưng các hội nhóm này luôn có sự liên kết nhau và câu kết chặt chẽ với các tổ chức phản động bên ngoài để phát triển lực lượng, hình thành các hội nhóm hoạt động “bất bạo động” tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, xuyên tạc lịch sử, khoét sâu mâu thuẫn dân tộc, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, làm giảm sút lòng tin của quần chúng với Đảng, Nhà nước; tạo tiền đề tập hợp, phát triển lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập.

Các thế lực thù địch còn tìm cách tuyệt đối hóa tính độc lập tương đối của XHDS nhằm từng bước làm cho các tổ chức XHDS trở thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước ta; ra sức tuyên truyền XHDS là hiện thân của tự do, dân chủ và những gì tốt đẹp trong xã hội; đả kích, xuyên tạc, phủ nhận bản chất nhà nước XHCN, coi đó là mô hình nhà nước độc tài, toàn trị, không có khả năng điều hành xã hội, không phát huy dân chủ vì thiếu XHDS.

Các thế lực thù địch tìm cách xoáy sâu, thổi phồng những tiêu cực, hạn chế của mặt trái nền kinh tế thị trường ở nước ta, những thiếu sót trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tệ nạn tham nhũng, hối lộ… nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.

Với lập luận, XHDS là “đối quyền của quyền lực nhà nước” để tập trung đòi thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ quyền lực chính trị cho XHDS; thực chất là cổ vũ tư tưởng coi nhà nước đối lập với XHDS; kích động thái độ vô chính phủ, lấy phá hoại thay cho xây dựng hòng từng bước đưa XHDS thành lực lượng đối trọng với Đảng, Nhà nước.

Ở bên ngoài, một số tổ chức đẩy mạnh các hoạt động tài trợ, bồi dưỡng năng lực cho các tổ chức XHDS tại Việt Nam nhằm tác động chuyển hóa và phát triển các kênh “phản biện xã hội”, hỗ trợ các tổ chức XHDS tham gia quá trình hoạch định chính sách, pháp luật và giám sát thực hiện.

Thông qua môi trường XHDS, các thế lực tìm cách lôi kéo quần chúng vào các hoạt động hòng kích động quần chúng chống lại chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia đòi đa nguyên, đa đảng và khởi kiện, vu cáo Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về nhân quyền. 

Nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng XHDS chống phá nước ta, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác quản lý nhà nước, đối với hoạt động của các hội, đoàn quần chúng.

Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với cả hệ thống chính trị, trong đó có các tổ chức chính trị, xã hội. Phát huy dân chủ XHCN gồm cả dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức quần chúng nhằm góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiếp tục phát huy tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Chú trọng xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở; nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa; chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của đất nước và từng địa phương; giải quyết kịp thời bức xúc, khó khăn, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức quần chúng và nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Tiếp tục tinh giản bộ máy công chức, đổi mới cơ chế quản lý nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội hoạt động theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với cơ chế vận hành của thể chế chính trị nước ta.

ĐỨC QUỲNH

 
;
.