“Phát triển mạnh mẽ DN - Hội nhập, hiệu quả, bền vững” là chủ đề của Hội nghị Thủ tướng với các đại diện của cộng đồng hơn 700.000 DN diễn ra tại Hà Nội vào sáng 23/12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm của một số tập đoàn, DN Việt Nam. Ảnh: QUANG HIẾU |
Đây là lần thứ 3, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại quy mô lớn với cộng đồng DN trên toàn quốc.
Khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các địa phương, tổ chức, hiệp hội DN… tham dự sự kiện. Hội nghị được kỳ vọng là cơ sở để có thêm nhiều giải pháp, chính sách mới thúc đẩy DN phát triển, để làm sao chúng ta đạt được mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020.
Với quyết tâm đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào tốp đầu của ASEAN, Hội nghị tiếp tục khẳng định cam kết Chính phủ đồng hành cùng cộng đồng DN, lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế đang ngày càng lớn mạnh, hơn 126.000 DN thành lập mới mỗi năm. Riêng năm 2019, dự kiến đạt 136.000 DN thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 760.000 DN.
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham quan trưng bày các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, máy móc, thiết bị… của một số tập đoàn, DN Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định, với tinh thần đồng hành cùng DN, Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ phải không ngừng tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho DN, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.
Đề cập đến mục tiêu 1 triệu DN vào năm tới, Thủ tướng cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi để hạn chế số DN giải thể. Bởi số lượng DN trên quy mô dân số của Việt Nam vẫn còn thấp. Cả nước mới có 7 DN nằm trong số 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ đô la Mỹ. DN lớn nhất của Việt Nam mới có quy mô 17 tỷ USD. DN tư nhân lớn nhất Việt Nam có quy mô hơn 6 tỷ USD.
Thủ tướng chỉ đạo, mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng DN trong năm 2020, tầm nhìn 20 năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối đốc thúc, cập nhật tổng hợp, báo cáo Thủ tướng; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, cùng DN tìm kiếm thị trường.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nhà nước phải loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực, do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian làm mất cơ hội đầu tư của DN.
Gửi thông điệp đến các DN, Thủ tướng kêu gọi các DN Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác. Khuyến khích sự chủ động hợp tác và tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, yêu dân tộc gắn bó với nhau khi khó khăn cùng nhau vươn ra biển lớn.
Thủ tướng yêu cầu các DN tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính bắt buộc; thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu uy tín quốc gia.
DN Việt Nam cần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, không đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tham nhũng.
Nhấn mạnh đến quyết tâm đồng hành với DN, Thủ tướng mong muốn doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt. Đó chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.
QUANG VŨ