Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 (Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) cũng luôn quan tâm đến việc thu gom rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường biển.
Rác thải nhựa từ các nhà giàn được đưa về doanh trại Tiểu đoàn DK1 xử lý theo quy định. |
Hiện nay, nhiều nhà giàn DK1 đã được đầu tư xây dựng trên các bãi cạn: Phúc Tần, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè và Cà Mau. Sự hiện diện hiên ngang của các nhà giàn DK1 trước đầu sóng trong 30 năm qua, đã khẳng định chủ quyền của nước ta trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Do điều kiện khí tượng thủy văn vùng biển có các nhà giàn DK1 tương đối phức tạp, xa cách đất liền, nên việc thu gom xử lý rác thải phát sinh từ các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn là vấn đề cần được giải quyết. Bình quân mỗi năm, lực lượng làm nhiệm vụ trên biển khu vực nhà giàn DK1 thải ra một lượng rác thải sinh hoạt khá nhiều, nếu không được kịp thời thu gom, đưa vào bờ xử lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường biển. Bên cạnh đó, các tàu đánh cá của ngư dân hoạt động gần nhà giàn cũng phát sinh các loại rác thải trên biển.
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, nhận thức tầm quan trọng của biển nói chung, vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc nói riêng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh; sự tác động của việc ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong những năm qua, đơn vị đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ trong công tác bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Đại úy Trần Ngọc Bích, Chính trị viên Nhà giàn DK1/17 cho biết, sau mỗi chuyến tàu thay trực hay có tàu ra công tác trên nhà giàn, ngoài những vật tư, quân trang, tư trang cá nhân thì rác thải nhựa đều được đưa về bờ xử lý. Việc thu gom rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác khó phân hủy, độc hại như túi ni lông, giẻ lau chùi, vỏ đồ hộp… phát sinh trong quá trình ăn ở, huấn luyện, bảo quản vũ khí trang bị đều được các chiến sĩ thu gom, bảo quản đúng quy định để sau đó đưa vào bờ xử lý. “Thu gom rác thải đã trở thành thói quen, nét văn hóa của mỗi cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Nhờ vậy, trên nhà giàn cũng như môi trường biển quanh khu vực nhà giàn luôn bảo đảm sạch sẽ, không bị ô nhiễm”, Đại úy Trần Ngọc Bích cho hay.
Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh cho biết, trong năm 2019, các chuyến tàu của Tiểu đoàn DK1 đã thu gom gần 700kg rác thải nhựa, chủ yếu là túi ni lông, lưới cũ rách vướng vào nhà giàn và vỏ chai các loại để đưa về bờ xử lý. Bên cạnh việc giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ nhà giàn hạn chế sử dụng túi ni lông, rác thải khó phân hủy, thời gian qua, các nhà giàn cũng tích cực tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường biển. “Nhờ làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã không ngừng được nâng lên và có hành động thiết thực chung tay bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, qua công tác tuyên truyền, nhận thức của bà con ngư dân về bảo vệ môi trường, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản trên biển cũng có chuyển biến tốt”, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh nhận định.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM - NHẤT CHÂU