Nằm trong tổng thể chiến lược “diễn biến hòa bình”, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị tìm cách xuyên tạc chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, kích động chia rẽ vùng miền nhằm gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân…
Thực tiễn, đoàn kết dân tộc là nguồn gốc sức mạnh của đất nước ta. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn giữ gìn, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền vì nhiều lý do khách quan là không đồng đều. Tuy nhiên, với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước đã xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các khu vực.
Điển hình như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình 30a của Chính phủ,… Với những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã khơi dậy lòng yêu nước trong quần chúng nhân dân, tăng cường mối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra động lực mới để thúc đẩy sự đi lên của cách mạng nước nhà.
Ngược lại, các đối tượng ở phía bên kia “chiến tuyến” cũng không từ bất kỳ thủ đoạn gì để chống phá, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc. Trong quá khứ, các thế lực thù địch từng thực hiện chính sách “chia để trị” nhằm thuận tiện trong việc thâu tóm, cai trị nhân dân ta. Ngày nay, các đối tượng thù địch tiếp tục chiêu bài kích động tư tưởng phân biệt, chia rẽ vùng miền.
Gần đây, trên các trang mạng xã hội nhiều cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị cùng một số trang báo nước ngoài có nội dung tiếng Việt liên tục đăng tải các thông tin xuyên tạc, kích động sự thù hằn, mâu thuẫn vùng miền. Mục đích của các đối tượng là kích động sự mâu thuẫn giữa Trung ương với địa phương, giữa các khu vực, vùng miền với nhau, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân tộc.
Trước hết, các đối tượng tiến hành xuyên tạc, đả kích chính sách thu - chi ngân sách (trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc Trung ương thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh) để kích động tư tưởng mâu thuẫn, đối lập, hình thành nhận thức lệch lạc đối với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Luận điệu được các đối tượng rêu rao là Trung ương đang “vắt kiệt sức” của TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương để “nuôi nấng” nhiều tỉnh, thành khác. Các đối tượng cho rằng việc TP. Hồ Chí Minh phải đóng góp 83%, Hà Nội đóng góp 65%, Bình Dương đóng góp 64%, Đồng Nai đóng góp 53% (số liệu năm 2019)… tổng thu ngân sách địa phương về cho Trung ương, trong khi đó gần 50 tỉnh, thành không những không đóng góp cho ngân sách Trung ương mà còn nhận được sự viện trợ từ Trung ương là bất bình đẳng, thiếu công bằng.
Các đối tượng đổ lỗi cho việc nhiều dự án tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... bị trì hoãn chậm tiến độ do không có đủ vốn là vì bị Trung ương “vắt kiệt sức”.
Đồng thời, các đối tượng cũng rêu rao luận điệu nếu không phải đóng góp ngân sách về Trung ương để phân phối cho các khu vực khác thì TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… đã có thể phát triển hơn hiện tại gấp nhiều lần, người dân có cuộc sống sung túc.
Từ đây, các đối tượng thúc đẩy cái gọi là “khẩn thiết kêu cứu cho thành phố của tôi”, hình thành tư tưởng hẹp hòi, cục bộ địa phương, tạo ra sự phân biệt vùng miền trong quần chúng nhân dân.
Ở một khía cạnh khác, các đối tượng xuyên tạc chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Các đối tượng đưa ra luận điệu “dân miền Nam làm nhiều, nộp ngân sách nhiều nhưng phải vật lộn với đường sá chật chội, còn miền Bắc làm ít, nộp ít, thậm chí không nộp nhưng vẫn thoải mái xây dựng cao tốc”.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn quán triệt quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với việc giải quyết các vấn đề xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, phát triển một cách đồng đều, bảo đảm sự công bằng. Đây là nền tảng để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng khu vực là không giống nhau. Có những địa phương rất thuận tiện để thu hút các nguồn lực bên ngoài vào đầu tư nhưng cũng có nơi lại gặp khó khăn trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, thương mại… để phát triển.
Hệ quả là có những tỉnh, thành kinh tế phát triển nhanh chóng, thu ngân sách cao; ngược lại, có những địa phương kinh tế phát triển chậm, nguồn thu ngân sách hạn hẹp. Vì vậy, Nhà nước phải tiến hành sử dụng thể chế, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để thúc đẩy sự phát triển, đảm bảo công bằng xã hội.
Để các địa phương cùng phát triển, để tất cả mọi người đều có cơ hội thừa hưởng thành quả cách mạng, Đảng, Nhà nước phải đưa ra các chủ trương, chính sách đầu tư khác nhau giữa các khu vực. Trong đó, với các địa phương miền núi, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đi lại là ưu tiên hàng đầu. Ngược lại, với những khu vực giao thông thuận tiện, chúng ta đã xây dựng các cơ chế mở để thu hút các nguồn đầu tư ngoài quốc doanh nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực trong xã hội.
Đồng thời, căn cứ trên cơ sở thực tiễn, việc thu – chi, đóng góp ngân sách giữa các địa phương cũng có sự khác biệt, không thể có một mẫu số chung, một con số cố định giữa các địa phương. Và cũng cần nói thêm, việc các địa phương được coi là “đầu tàu kinh tế” đóng góp vào ngân sách Trung ương không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm để thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.
Mọi thông tin được các đối tượng rêu rao, xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước ta “phân biệt vùng miền” ở trên đều mang tính quy chụp, phiến diện một chiều, thể hiện sự hẹp hòi, ích kỷ, đi ngược lại mục tiêu phát triển chung của dân tộc. Đằng sau những lời lẽ tưởng như thuyết phục lại là những mưu đồ nguy hiểm. Vì vậy, mọi người phải hết sức tỉnh táo, có cách nhìn toàn diện, đa chiều, tránh để các đối tượng lợi dụng gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ổn định của đất nước.
TRẦN ANH TÚ