Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, hơn ai hết, Đảng phải trở thành tấm gương mẫu mực nhất trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiết kiệm là quốc sách, không chỉ với nước nghèo, mà cả với nước giàu. Ở Việt Nam, sau khi giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn cảnh báo, giáo dục, khuyên răn, đề ra nhiều giải pháp kiên quyết để cán bộ, đảng viên cùng toàn dân xây dựng ý thức và hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chỉ thị 35-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chỉ rõ: Đại hội đảng là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, một dịp để chỉnh đốn lại Đảng, đồng thời thông qua đại hội nhằm: “Củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân với Đảng”; “Tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế”. Vì vậy, đại hội phải: “Đảm bảo an toàn, thiết thực, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực”. Nêu gương tiết kiệm, chống lãng phí, đại hội sẽ tạo hình ảnh đẹp “lời nói đi đôi với việc làm”, xây đắp thêm niềm tin và làm cho mọi tầng lớp nhân dân soi vào, học theo, làm theo.
Dẫu biết rằng chuẩn bị và tiến hành đại hội rất công phu, với nhiều nội dung, nhiều bước, nhiều khâu theo quy trình sẽ rất tốn thời gian, công sức. Nhưng Bác dạy: “Thời gian quý hơn tiền bạc”, “Dân ta lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho chúng ta” nên phải biết quý và tiết kiệm thời gian. Để tiết kiệm, cấp ủy các cấp phải xây dựng kế hoạch, chương trình chuẩn bị đại hội chi tiết, cụ thể, khoa học và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đơn vị, địa phương; tổ chức họp hành ít nhất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất. Việc lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lão thành cách mạng, hưu trí, nhân sĩ, trí thức, các đoàn thể quần chúng đóng góp các văn kiện đại hội phải có cách thức thích hợp, vừa không gây phiền hà, vừa đỡ tốn thời gian nhưng lại thu được nhiều ý kiến có giá trị với Đảng, với sự nghiệp cách mạng. Chuẩn bị nội dung chu đáo, phát huy được vai trò trách nhiệm của đại biểu, chắc chắn đại hội sẽ diễn ra nhanh, gọn, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Sẽ là lãng phí lớn, nếu: “Hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm” như Bác Hồ cảnh báo.
Biết tiết kiệm tiền bạc, vật chất, tuyệt đối không gây ra lãng phí, tiêu cực trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội. Bác dặn: “1 giờ làm việc bằng 2, 3 giờ. Một người làm xong việc của 2, 3 người. Một đồng dùng bằng 2, 3 đồng” và Người nghiêm khắc: “vì xa xỉ, phô trương hình thức, nào là liên hoan, nào là kỷ niệm, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước”, mà không biết rằng đồng tiền đó “là mồ hôi, nước mắt của nhân dân”. Nước ta còn nghèo, nhân dân còn khổ, nên tổ chức đại hội, việc chi tiêu phải đúng chế độ quy định; trang trí, lễ tiết trang trọng nhưng phải tránh phô trương hình thức gây tốn kém tiền của. Đảng đã: “Nghiêm cấm việc lợi dụng giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong, sau đại hội, hội nghị, kỳ họp… để ăn uống, tiệc tùng, tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi”. Toàn Đảng có hàng vạn tổ chức đảng tiến hành đại hội, chỉ cần mỗi nơi tiết kiệm một ít, từ gam giấy, cây bút, đến chai nước uống, không tặng quà, không liên hoan… sẽ tiết kiệm được một lượng vật chất, tiền bạc không hề nhỏ.
Đại hội đảng bộ các cấp cần coi trọng tiết kiệm nhân tài, tránh lãng phí chất xám. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo: Cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 phải là những đảng viên ưu tú, tiêu biểu nhất về phẩm chất đạo đức, trí tuệ và năng lực. Cần phát hiện hết những nhân tố mới có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để giới thiệu vào cấp ủy, không để sót người hiền tài. Coi khinh nhân tài, sử dụng nhân tài không hợp lý hoặc không dám sử dụng người hiền tài là lãng phí nguồn nhân lực và là có tội với Đảng, với dân.
Còn nhớ trước ngày khai mạc Đại hội III (1960), Bác xuống kiểm tra nơi sẽ diễn ra Đại hội. Hội trường lộng lẫy bởi được trang trí toàn bằng vải nhung đỏ. Bác hỏi: “Các chú lấy vải nhung ở đâu mà nhiều thế?” và Người nhắc nhở ngay: “Các chú có biết rằng, các chú trang trí thế này ở Đại hội Đảng toàn quốc thì các đại biểu ở địa phương cũng sẽ trang trí hệt như Trung ương không? Ở địa phương họ lấy đâu nhiều vải nhung đỏ như thế mà trang trí?”. Ngay sau đó, việc trang trí hội trường đại hội, vải nhung đỏ được thay bằng vải thường, giản đơn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội đất nước.
Trước thềm đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, âu đó cũng là những bài học cho chúng ta phải suy ngẫm!
NGUYỄN QUANG PHI