Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 21/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VĂN ĐIỆP |
Trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Theo đó, Chính phủ trình 2 phương án: Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay theo phương án 2 của Chính phủ, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đề cao trách nhiệm của từng chủ thể... tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện và bảo đảm thuận lợi cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án trình Quốc hội thông qua.
Theo các đại biểu, việc giữ như quy định hiện hành là kế thừa những kết quả đổi mới mà Quốc hội các khóa trước đây đã để lại. Nếu thực hiện “đổi vai” thì đó là bước lùi trong lịch sử của hoạt động lập pháp.
Các đại biểu tán thành phương án 2 cho rằng, năm 2002, Quốc hội khóa XI đã sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những trọng tâm đổi mới là giao cho cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, giải trình và trong 17 năm qua, Quốc hội đã thực hiện theo cơ chế này. Tại thời điểm đó, lý do của việc đề xuất sửa đổi là để thực hiện đúng vai trò lập pháp của Quốc hội, cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII nhằm góp phần khắc phục tính cục bộ trong soạn thảo các dự án luật, bảo đảm lợi ích người dân, doanh nghiệp. Do đó, không có lý do gì để Quốc hội khóa XIV không tiếp tục duy trì những thành quả Quốc hội trước đây đã để lại.
Các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật trên cơ sở đánh giá kết quả thực tiễn thời gian qua. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định liên quan nội dung bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, hiệu lực, hiệu quả.
Về việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu cho rằng, thời gian qua đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tình trạng xin rút, xin lùi dẫn đến phải điều chỉnh chương trình, ảnh hưởng đến chất lượng làm luật. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa nội dung này vào sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật là cần thiết nhằm khắc phục các hạn chế trên.
PHAN PHƯƠNG