Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Xây dựng chiến lược phòng, chống cháy nổ tại khu đô thị

Thứ Tư, 13/11/2019, 22:33 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (tỉnh Hưng Yên)  phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: PHƯƠNG HOA
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (tỉnh Hưng Yên) phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: PHƯƠNG HOA

THỰC HIỆN HÌNH THỨC, ĐỐI PHÓ

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày cho thấy: Trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỷ đồng và 6.462ha rừng. Địa bàn xảy ra vụ cháy chủ yếu là khu vực thành thị khi chiếm 60,11% và có tới 5.636 số vụ cháy là tại nhà dân, chiếm 42,86%.

Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 6.458 vụ, chiếm 57,27%; do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt là 3.291 vụ, chiếm 29,18%. Cháy lớn dù chỉ có 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, song hỏa hoạn từ các vụ cháy này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra.

Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp như vậy, song theo Chính phủ, đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Nổi lên là nhiều cơ sở như ở các KCN, DN, nhà xưởng... chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, việc thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Nhiều phương án chữa cháy sơ sài, tình huống giả định cháy thường có diện tích nhỏ, dễ xử lý, chưa sát với thực tế.

Báo cáo cũng cảnh báo, những năm qua, một số vụ cháy nhỏ không được dập tắt kịp thời nên đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hầu hết các vụ cháy lớn đều do cơ sở phát hiện, báo cháy chậm, việc tổ chức chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ không hiệu quả, dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Đáng lo ngại, có vụ cháy xảy ra sau 30 phút mới báo cháy cho lực lượng chức năng; hơn 80% số vụ cháy lớn có thời gian cháy tự do trên 10 phút nên đã tạo điều kiện cho đám cháy phát triển lớn, gây khó khăn cho các hoạt động chữa cháy.

CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU

Ông Võ Trọng Việt cho biết, Đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất với Báo cáo của Chính phủ đánh giá hiện nay mạng lưới đội ngũ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được bố trí trên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Diện tích bảo vệ trung bình của từng đội chữa cháy hiện nay rất lớn; nhiều đơn vị hành chính cấp huyện chưa có đội chữa cháy. 23 địa phương chỉ có duy nhất một đội chữa cháy đặt tại trung tâm hành chính của tỉnh, bán kính bảo vệ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm km; số cán bộ làm công tác phòng ngừa đang bị quá tải về công việc, tại một số thành phố lớn, một cán bộ phụ trách quản lý trung bình 150 cơ sở, 6 quận, huyện và từ 5 đến 10 khu dân cư, trong khi quy định chỉ tối đa không quá 100 cơ sở. Số lượng phương tiện được trang bị cho công tác PCCC cũng được xác định chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nói trên, theo ông Võ Trọng Việt, là có nhiều. Trong đó, đáng chú ý là nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, DN, tổ chức đối với công tác PCCC “hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC”.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng chiến lược PCCC và cứu nạn cứu hộ, nhất là đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, các KCN, thương mại... có nguy cơ cháy, nổ cao.

Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công an chủ trì tổ chức điều tra, rà soát, nắm chắc địa bàn, phân loại cơ sở theo mức độ nguy hiểm cháy, nổ; lập danh sách các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy lớn để tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn phù hợp với từng loại hình cơ sở, địa bàn; chú trọng xây dựng lực lượng PCCC cơ sở về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, đề nghị thực hiện kiểm định về PCCC trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường các phương tiện nhập khẩu, sản xuất trong nước thay vì kiểm định lưu thông như hiện nay, nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với các địa phương, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, thi công các công trình xây dựng tại địa phương; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ thiết kế và cấp phép xây dựng; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật về xây dựng và PCCC; tổ chức thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, cấp phép hoạt động đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình.

CHỈ ĐƯA CÔNG TRÌNH VÀO SỬ DỤNG KHI ĐÃ ĐƯỢC NGHIỆM THU VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Dẫn báo cáo của Đoàn giám sát từ tháng 7/2014 – 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy; địa bàn xảy ra cháy ở thành thị chiếm 60,11%, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, việc tổ chức hệ thống hạ tầng phục vụ PCCC trong đô thị cần được quan tâm đúng mức. Theo đại biểu, các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC trong lập quy hoạch đô thị, thiết kế công trình đã được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác này còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt.

Đại biểu đề nghị, trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC; từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ cho công tác này. Thiết kế của các công trình cần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC. Bất cứ công trình nào cũng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống PCCC. Hệ thống này cần được kiểm tra định kỳ, kết hợp với tổ chức các buổi phòng cháy, diễn tập chữa cháy để nâng cao khả năng ứng phó với hỏa hoạn của người dân. Đặc biệt, các công trình nhà chung cư cao tầng cần thực hiện nghiêm quy định về gian lánh nạn. 

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC thời gian qua, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, công tác quản lý nhà nước còn có sự buông lỏng. Qua giám sát thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, công tác quản lý đô thị xây dựng theo quy hoạch, thiết kế thiếu đồng bộ, thiếu kiểm tra, kiểm soát. Một số hộ chung cư cao tầng rào chắn ban công kiên cố, không có lối thoát hiểm, rất khó khăn cho việc cứu người. 

Từ những bất cập này, đại biểu kiến nghị, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng, tập huấn diễn tập, chỉ dẫn kỹ năng cho người dân, đặc biệt là đội dân phòng, đội PCCC tại các khu chung cư, KCN, nhà hàng karaoke, các trung tâm chợ lớn, các điểm dịch vụ, xăng dầu, gas, khí đốt... Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát tổ chức, cá nhân kinh doanh, đảm bảo cơ cấu lực lượng biên chế hợp lý, bố trí các cấp chính quyền địa bàn trọng điểm đảm bảo phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; kiên quyết yêu cầu trang bị đủ điều kiện PCCC mới cho phép hoạt động.

Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), nếu những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan thì thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người.

Trên cơ sở đó, đại biểu cho rằng, các cấp, các ngành cần chú trọng vào công tác thông tin, giáo dục, vận động để nâng cao ý thức người dân, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

QUỲNH PHƯƠNG

;
.