Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Dương Giang |
Cơ bản thống nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều
Sáng 22/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Trước đó, thảo luận nội dung này tại tổ, các đại biểu cơ bản thống nhất sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; đánh giá việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế; về phạm vi sửa đổi của dự án Luật.
Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, các đại biểu nhất trí bổ sung quy định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương; quy định chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho phòng, chống thiên tai. Nội dung thảo luận cũng bao gồm trách nhiệm của Ban chỉ đạo trung ương UBND các cấp về phòng, chống thiên tai; quy định thống nhất vị trí, vai trò của lực lượng dân quân tự vệ trong dự thảo Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Quốc phòng hiện hành; quy định về việc dự báo, xây dựng các phương án diễn tập để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ đánh giá các hoạt động gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, biện pháp khắc phục.
Tán thành giảm số lượng cấp phó của HĐND cấp huyện
Chiều 22/11, với 431 đại biểu tán thành (tương đương 89,23% số phiếu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo kết quả biểu quyết, có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 92,7%), trong đó 431 đại biểu tán thành (chiếm 89,23%), 12 đại biểu không tán thành (2,84%) và 5 đại biểu không biểu quyết (1,04%).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được thông qua sẽ đẩy mạnh phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương cấp tỉnh và giữa các cấp chính quyền địa phương. Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Luật cũng quy định về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND đối với cấp xã loại II. Đối với lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, sẽ chỉ duy trì 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, từ đó quyết định số lượng cấp phó chuyên trách là 1 hoặc 2 người.
Thời điểm có hiệu lực thi hành của luật là ngày 1/7/2020, tuy nhiên luật sẽ bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại HĐND và UBND để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.
Thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh và Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)
Quốc hội chính thức thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Có 442/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,55% tổng số đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh, Luật quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 1 năm đến 5 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 3 năm. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 5 năm và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn. Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn… Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Chiều ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) với tỷ lệ 91,72% số phiếu tán thành. Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều. Kết quả, có 443/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 91,72%) đã tán thành thông qua dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Trong số các đại biểu tham gia biểu quyết, có 1 đại biểu không tán thành (chiếm 0,21%), 2 đại biểu không biểu quyết thông dự án luật (chiếm 0,41%). Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Theo TTXVN