.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Bộ luật Lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Cập nhật: 19:34, 20/11/2019 (GMT+7)
● Năm 2028, nam nghỉ hưu ở tuổi 62; năm 2035 nữ nghỉ hưu tuổi 60 
● Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng
Sáng 20/11, với 90,06% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bộ luật gồm 17 chương, 220 điều, quy định tiêu chuẩn lao động (LĐ); quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, tổ chức đại diện NSDLĐ trong quan hệ LĐ và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ LĐ; quản lý nhà nước về LĐ.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn BR-VT) phát biểu tại phiên họp ngày 20/11. Ảnh: HUỲNH KHÁNG
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn BR-VT) phát biểu tại phiên họp ngày 20/11. Ảnh: HUỲNH KHÁNG

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ luật quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với LĐ nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với LĐ nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện LĐ bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với LĐ nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với LĐ nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với LĐ nam và 4 tháng đối với LĐ nữ.

Người LĐ bị suy giảm khả năng LĐ; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cũng theo Bộ luật Lao động sửa đổi, NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết gồm: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Đối với vấn đề thời giờ làm việc bình thường, Bộ luật quy định Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. NSDLĐ có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho NLĐ biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích NSDLĐ thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với NLĐ.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng giữ nguyên khung thoả thuận thời gian làm thêm giờ tối đa. NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Phải được sự đồng ý của NLĐ; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ trong 1 năm.

Cũng trong ngày 20/11, Quôc hội Thảo luận Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có phát biểu thảo luận đáng chú ý. Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để hoàn thiện dự án luật, song đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, về vấn đề bảo đảm đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài trước khi đầu tư rất quan tâm đến nội dung bảo đảm khi đầu tư vào nước ta. Do đó, các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư.

“Điều khoản về bảo đảm đầu tư được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư nhưng quy định này chỉ mới dừng lại trong trường hợp có thay đổi pháp luật”, đại biểu Tuấn cho biết và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư, bao gồm cả bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm việc chuyển tài sản và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Về chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện cam kết quốc tế, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết: Thời gian qua, trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực, phát sinh như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đầu tư chui thâm dụng tài nguyên núp bóng thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Vấn đề nữa được đại biểu Dương Minh Tuấn đặt ra là thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Tại Điều 44 của dự thảo luật quy định thời hạn hoạt động của dự án đầu tư tối đa là 70 năm và khi hết thời hạn được xét gia hạn nhưng không quá thời hạn tối đa. “Như vậy có thể hiểu, sau khi hết thời hạn 70 năm, nhà đầu tư có thể được gia hạn một lần nữa”, đại biểu Tuấn băn khoăn và cho rằng, quy định như vậy là chưa thật rõ, nếu đúng vậy là quá dài, quá lâu.

“Quan điểm cá nhân tôi cần sửa Luật Đầu tư và các luật liên quan với thời gian hoạt động lần đầu của dự án đầu tư tối đa là 50 năm. Sau đó, khi doanh nghiệp hết hạn đầu tư, có thể xin gia hạn tiếp tục”, đại biểu Tuấn đề xuất.

TTXVN, HUỲNH KHÁNG
.
.
.