Tạo động lực vươn lên cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số
Ngày 1/11, Quốc hội đã bàn thảo về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu: Nguyễn Phước Lộc (TPHCM); Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận); Cao Thị Giang (Quảng Bình); Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận); Y Khút Niê (Đắk Lắk); Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An); Đinh Thị Bình (Phú Thọ); Phương Thị Thanh (Bắc Kạn);... nhấn mạnh ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng và tính cấp thiết về việc xây dựng và triển khai Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn....
Theo các đại biểu, việc thông qua đề án nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
Cho rằng nội dung nêu trong dự thảo đề án được chuẩn bị công phu, có tính khoa học và thực tiễn cao, cơ bản nhất trí với các mục tiêu, giải pháp nêu trong dự thảo; các đại biểu cũng phân tích làm rõ các nguyên nhân của các tồn tại, yếu kém, qua đó góp ý, đề xuất một số nội dung cụ thể để hoàn thiện đề án, như: Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn với việc bảo đảm quyền tự quyết của các dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bảo tồn chữ viết, tiếng nói, bảo đảm không gian sống (đất ở, đất sản xuất), nghiên cứu lịch sử phát triển... của các dân tộc thiểu số; bảo đảm cho đồng bào sinh hoạt văn hóa, tôn giáo theo quy định của pháp luật; đào tạo, bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số; bảo đảm quyền bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi;...
Các đại biểu cũng đề nghị cấp có thẩm quyền triển khai các giải pháp: Đồng bộ hóa, tập trung các chính sách, nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào một đầu mối để đầu tư phát triển kinh tế vùng “lõi nghèo”; kết hợp hiệu quả giữa đầu tư ngân sách gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện đề án, tránh tình trạng “chính sách như một loại quả đẹp nhưng đồng bào không ăn được”; hợp lý hóa các chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện, thông tin, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng) và nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, phát triển các mô hình sản xuất gắn với lợi thế, đặc thù của địa phương, hỗ trợ kết nối thị trường... để đồng bào phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, vươn lên thoát nghèo và làm giầu chính đáng trên mảnh đất quê hương;...
HIỀN HẠNH (TTXVN)