KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Nhiều ý kiến khác nhau về quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định tư pháp

Thứ Hai, 25/11/2019, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 25/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của luật đã có tính ổn định, bền vững.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)  phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: PHƯƠNG HOA
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: PHƯƠNG HOA

Dự thảo Luật bổ sung Điều 41a quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.

Các đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Trần Văn Mão (Nghệ An), Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)… cho rằng, việc bổ sung quy định này là không cần thiết. Theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, Bộ Tài chính đã bổ nhiệm 1.712 giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính. Số vụ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu từ năm 2013 đến năm 2018 không nhiều (241 vụ).

Như vậy, nguồn nhân lực hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Nếu giao Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp thì phạm vi thực hiện giám định rất hẹp, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu quan điểm, Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 không quy định Kiểm toán Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thực hiện giám định tư pháp. Việc bổ sung quy định này trong dự thảo luật là không phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, không đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Do vậy, theo đại biểu, việc bổ sung này là không cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhấn mạnh, việc bổ sung thêm Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện giám định sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong chức năng nhiệm vụ. “Nếu cứ vì khó khăn trong thực tiễn, nói đảm bảo tính độc lập, tính khách quan mà “cơi nới” thẩm quyền thì sẽ không ổn về mặt tổ chức bộ máy”, đại biểu chỉ rõ.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, giám định tư pháp là công việc khó, phức tạp, đụng chạm, xác định hành vi vi phạm pháp luật, xác định tội phạm nên thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định. Báo cáo cho thấy từ năm 2013 đến năm 2018, trong lĩnh vực tài chính trưng cầu giám định có 241 vụ việc, nhưng vẫn còn tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy.

Theo đại biểu, nếu đề nghị Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính thì sẽ có thêm một kênh để lựa chọn. “Kiểm toán Nhà nước có đầy đủ các điều kiện để tham gia vào việc giám định này để cho một kết luận mang tính khách quan và chính xác”, đại biểu nhấn mạnh.

Cho rằng giữa hoạt động kiểm toán và giám định tư pháp có điểm chung là đều đòi hỏi tính độc lập, khách quan và tuân theo pháp luật, đại biểu Nguyễn Thái Học ủng hộ phương án theo Tờ trình của Chính phủ cho phép Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định tư pháp.

Dự thảo luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh. Có ý kiến đại biểu cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành luật; hồ sơ dự án luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) băn khoăn: “Việc bổ sung cơ quan này vào dự thảo luật có thực sự hợp lý và cần thiết, có phù hợp với cơ sở lý luận thực tiễn, thông lệ quốc tế không? Việc bổ sung này có dẫn đến lãng phí, có làm phân tán nguồn lực con người, cơ sở vật chất và có trái tinh thần Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không?”

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ báo cáo việc có hay không tình trạng quá tải và chậm giám định về âm thanh, hình ảnh. Nếu có là do khâu tổ chức thực hiện hay là do quy định của luật. “Tại sao Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện luật không có báo cáo về khó khăn, bất cập về hệ thống cơ quan giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, không có vướng mắc về giám định âm thanh, hình ảnh và trong báo cáo đánh giá tác động cũng không đề cập đến vấn đề này mà nay Chính phủ lại đề xuất cơ quan này vào dự thảo luật”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) đồng ý với quy định như trong dự thảo luật. Đại biểu phân tích, theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, cơ quan điều tra hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền điều tra 38 tội danh, trong đó những năm vừa qua, có khoảng 70% số vụ cần tiến hành giám định về âm thanh, hình ảnh, chữ viết, dữ liệu điện tử, kỹ thuật số... Trong khi đó, thời gian qua, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khi cần thiết phải giám định thì trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), Viện Pháp y quốc gia. Điều này dẫn đến việc bị động và phụ thuộc vào tổ chức giám định tư pháp khác. Đặc biệt, khi trưng cầu giám định về âm thanh, hình ảnh hay dữ liệu điện tử thường kéo dài 2-3 tháng, có vụ kéo dài 5 tháng mới có kết luận giám định nên đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời hạn giải quyết tố giác tin báo tội phạm, thời hạn điều tra, nhất là hiện nay hoạt động tội phạm có liên quan nhiều tới dữ liệu điện tử cần giám định.

Vì vậy, theo đại biểu, việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” trong dự thảo luật là cần thiết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho Phòng Kỹ thuật hình sự cơ quan điều tra tổ chức và hoạt động đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có thêm lựa chọn về giám định tư pháp khi trưng cầu giám định.

Cũng trong ngày 25/11, các đại biểu Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

PHAN PHƯƠNG

;
.