Chiều 15/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Toàn cảnh phiên họp. |
Về cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật sửa 5 điều của Luật năm 2015 (Điều 5, 47, 58, 92, 121), trong đó bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đúng đắn, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào Điều 5 và bổ sung các nội dung cụ thể vào một số điều khoản của Luật năm 2015 để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này.
Liên quan đến việc xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự thảo Luật sửa 3 điều (Điều 146, 147, 148 của Luật năm 2015). Theo đó, cho phép thêm 3 trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, cụ thể là để bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển KT-XH; để kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn; phải ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN Việt Nam là thành viên theo yêu cầu về thời hạn thực hiện quy định trong điều ước quốc tế đó.
Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi khoản 3 Điều 147 để bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Theo đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư này phải kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật năm 2015 (các điều 74, 75, 76 và 77) theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra (trực tiếp giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội) như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án.
Cơ quan, tổ chức, đại biểu trình dự án có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn trực tiếp chỉ đạo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Theo giải trình của Chính phủ, sự thay đổi này sẽ bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết từ khi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo, từ đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình chỉnh lý dự thảo; bảo đảm sự phù hợp giữa nội dung của dự thảo với các chính sách đã được thông qua, tạo sự liền mạch hơn trong việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, việc thay đổi cũng tăng tính chủ động và trách nhiệm đến cùng của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình chỉnh lý.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ: Hầu hết ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật.
Việc điều chỉnh như vậy sẽ bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng, đầy đủ chức năng của mình tương tự như quy trình lập pháp của nhiều nước trên thế giới và như Việt Nam đã thực hiện trước đây theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 cho đến khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này năm 2002.
Theo TTXVN