Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 34: Kinh tế nhiều khởi sắc
Ngày 28/11, tại Trung tâm Hành chính-Chính trị tỉnh, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị lần thứ 34 (mở rộng). Báo cáo và các ý kiến thảo luận tại hội nghị cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2019 có nhiều khởi sắc.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: ĐỨC NHÂN |
SỐ DN THÀNH LẬP MỚI TĂNG MẠNH
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng năm 2019 do bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trình bày tại hội nghị nêu rõ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt dự toán. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,12%, đạt mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Lĩnh vực khai thác cảng biển tiếp tục duy trì đà tăng trưởng: Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước 71 triệu tấn, đạt khoảng 52% tổng công suất thiết kế; doanh thu dịch vụ cảng đạt 4.054 tỷ đồng, tăng 4,8%. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 15,5 triệu lượt, tăng 14,8%, tổng doanh thu du lịch đạt 16.520 tỷ đồng, tăng 15,9%. Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí đạt 5 tỷ USD, tăng 14,02%, vượt kế hoạch (12,1%). Tổng thu ngân sách ước khoảng 82.676,4 tỷ đồng, vượt 11,1% dự toán; Tổng chi ngân sách trên địa bàn khoảng 18.640 tỷ đồng, đạt 100,5% dự toán.
Các công tác giáo dục-đào tạo, an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm. Tính đến ngày 15/11, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia còn 715 hộ (chiếm tỷ lệ 0,26%), theo chuẩn tỉnh còn 1.637 hộ (chiếm tỷ lệ 0,58%).
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trừ dầu khí đạt 5 tỷ USD, tăng 14,02%. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải Phú (xã An Ngãi, huyện Long Điền). Ảnh: SONG THƯ |
Thảo luận về kết quả thu ngân sách, ông Lê Ngọc Khánh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trong năm 2019 hầu hết các khoản thu đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, điểm đáng chú ý là trong giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng thu ngân sách nội địa ngày càng lớn, trong khi thu từ dầu thô và thu xuất nhập khẩu có xu hướng giảm về tỷ trọng trong cơ cấu tổng thể của thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. “Kết quả này phản ánh đúng tình hình kinh tế trong cả giai đoạn 2016-2020 (khi giá dầu tiếp tục suy giảm) và phù hợp với định hướng của tỉnh trong phát triển bền vững ngân sách địa phương”, ông Khánh phân tích.
Bày tỏ sự phấn khởi về tình hình thu hút đầu tư và số lượng DN thành lập mới, ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, năm 2019, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng cao, với 1.462 DN, tăng 12,32% so với năm 2018. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư cũng chuyển biến tích cực. Vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,35 tỷ USD; vốn DN trong nước đăng ký mới và tăng vốn đầu tư là 14.679 tỷ đồng. Ngoài ra, với 20 dự án trọng điểm tỉnh đang kêu gọi đầu tư bằng hình thức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đến nay có 51 nhà đầu tư đăng ký tham gia. “Điều đó cho thấy tỉnh BR-VT đang được các nhà đầu tư quan tâm. Đây là thời cơ tốt để tiếp tục thu hút đầu tư và giữ chân nhà đầu tư vào các dự án của tỉnh”, ông Vinh nhấn mạnh.
KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU CÁ
Phát biểu về các giải pháp kiểm soát tình trạng ngư dân đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, các tàu vi phạm chủ yếu là lưới kéo, thuộc danh mục phải chuyển đổi ngành nghề và theo lộ trình đến năm 2020 phải chuyển đổi xong. Ngành đã thực hiện các giải pháp như: Triển khai đề án chuyển đổi ngành nghề cho tàu lưới kéo; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tàu nào đã gắn thiết bị giám sát mà khi ra khơi lại tắt thiết bị sẽ bị xử phạt nặng với mức cao nhất lên đến hàng tỷ đồng; đồng thời thu hồi giấy phép có thời hạn hoặc chấm dứt hoạt động nếu vi phạm nhiều lần. “Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ ngành nông nghiệp, Bộ đội Biên phòng mà còn đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, vận động ngư dân, chuyển đổi nghề cho ngư dân và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Cường đề nghị.
Về công tác tổ chức sắp xếp các hộ nuôi cá lồng bè trên sông theo quy hoạch, đến nay đã có 51/298 cơ sở tại khu vực sông Chà Và được đo vẽ, cấp bản đồ mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng bè. Chi cục Thủy sản đã tiếp nhận 157 hồ sơ đăng ký nuôi thủy sản lồng bè trong vùng quy hoạch, đồng thời phối hợp với địa phương và cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi lồng bè cho 134/298 cơ sở. Đối với 230 cơ sở lồng bè nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch, Sở NN-PTNT đã phối hợp với UBND TP. Vũng Tàu tuyên truyền, phổ biến và thông báo lộ trình di dời, sắp xếp cho 152 cơ sở nuôi lồng bè và 12 nhà nổi trên địa bàn phường 12, Thắng Nhất, Rạch Dừa và xã Long Sơn; phối hợp với UBND TX. Phú Mỹ tổ chức vận động và thông báo lộ trình di dời cho 38 cơ sở tại xã Tân Hòa...
Dự kiến, đến trước tháng 6/2020, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức di dời các cơ sở nuôi cá lồng bè vào các địa điểm được quy hoạch hoặc tự tháo dỡ lồng bè. Trường hợp cố ý không thực hiện sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Tại hội nghị, một số Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh cũng đã phát biểu thảo luận xung quanh các vấn đề như: Quản lý và sử dụng đất công; những khó khăn khi thực hiện quy định về độ tuổi của bí thư chi bộ khu phố; khó khăn trong công tác kết nạp đảng; các trung tâm văn hóa-thể thao-học tập cộng đồng hoạt động kém hiệu quả…
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể quan tâm một số nhiệm vụ: Thúc đẩy hoàn thành các dự án trọng điểm theo lộ trình được phê duyệt, tạo nền tảng quan trọng phát triển hạ tầng và chỉnh trang đô thị; Xây dựng môi trường đầu tư tích cực, giúp DN có điều kiện phát triển và tin tưởng vào khả năng phục vụ của chính quyền. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, các cấp ủy, chính quyền phải quan tâm hơn nữa về nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Coi đó là mục tiêu cao nhất cần hướng đến.
NHÂN ĐỨC