Ông Nguyễn Kế Toại |
Những ngày này, các khu dân cư trong tỉnh đang nô nức chuẩn bị cho các hoạt động hướng tới kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2019) và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết:
- Việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm có ý nghĩa rất đặc biệt nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là dịp tổng kết, đánh giá một năm hoạt động của khu dân cư trên tất cả các lĩnh vực và khen thưởng các tập thể, cá nhân, gia đình có những hoạt động tiêu biểu. Ngày hội cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp về sinh hoạt với nhân dân, hiểu rõ tình hình đời sống và những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở từng địa phương… Ngoài ra, ngày hội còn là dịp để Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tự giác tham gia.
● Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm nay sẽ được tổ chức như thế nào, thưa ông?
- Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019 được tổ chức ở khu dân cư tập trung từ 16/11 đến 18/11, gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, Ban Công tác Mặt trận ôn lại truyền thống của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát động phong trào thi đua năm 2020 và biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu. Đồng thời vận động để giúp đỡ người nghèo, đồng bào bị thiên tai lũ lụt…
Trong phần hội, các khu dân cư tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi mang đậm tính truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương còn tổ chức các hoạt động như: trao nhà “đại đoàn kết”, nhà tình nghĩa; thăm và tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, họp mặt cán bộ Mặt trận các thời kỳ, vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm...
Kết thúc Ngày hội, tùy theo điều kiện của khu dân cư, một số nơi còn tổ chức “bữa cơm đoàn kết” để mọi người có dịp giao lưu, tạo không khí phấn khởi, đầm ấm, đoàn kết cùng nhau xây dựng tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.
Người dân khu phố Hải Tân (TT. Long Hải, huyện Long Điền) tham gia trò chơi đập heo đất tại “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2018. |
● Như ông nói, Ngày hội là dịp để các địa phương đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đề nghị ông cho biết kết quả thực hiện cuộc vận động này trên địa bàn tỉnh trong những năm qua?
- Thời gian qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai sâu rộng và không ngừng đổi mới về hình thức, nâng cao về chất lượng, đáp ứng nguyện vọng và được đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân với cộng đồng, khơi dậy được tình làng nghĩa xóm, động viên nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, phát huy nguồn lực trong nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, thiết thực ở địa bàn khu dân cư.
Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã vận động người dân hiến 814.397m2 đất, đóng góp 553 tỷ đồng và 9.767 ngày công để làm đường giao thông nông thôn; xây dựng 48 mô hình “Toàn dân bảo vệ ANTQ”. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động trên 81 tỷ đồng, xây mới 1.092 căn nhà, sửa chữa 738 căn nhà “đại đoàn kết”, hỗ trợ xây dựng 110 căn nhà tình thương cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc với tổng trị giá 50,8 tỷ đồng, tặng 275 ngàn suất quà cho hộ nghèo... Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã vận động hơn 18 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên các chiến sĩ, nhân dân đang công tác, sinh sống tại huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, hỗ trợ trang thiết bị cho lực lượng chấp pháp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
● Xin cảm ơn ông!
MINH NHÂN (thực hiện)