Cách đây 55 năm, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, quân và dân miền Đông Nam Bộ đã làm nên chiến thắng Bình Giã. Qua đó, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng Bình Giã được đánh giá là bước phát triển nghệ thuật quân sự, mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh Cách mạng miền Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh (giữa), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cùng với các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Chiến thắng Bình Giã trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, được tổ chức ngày 7/11 vừa qua tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 (tỉnh Đồng Nai). |
Tiến tới kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Bình Giã (1964-2019), Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Bình Giã trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” vào ngày 7/11, tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 (tỉnh Đồng Nai).
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết: 55 năm trước, tại chiến trường trọng điểm miền Đông Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, mà trực tiếp là Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, quân và dân ta đã lập nên chiến công quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của Cách mạng Việt Nam trong tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đó là “Chiến thắng Bình Giã”. Đây là lần đầu tiên, LLVT miền Nam sử dụng bộ đội chủ lực với phương châm tác chiến tập trung, đánh bại lực lượng chính quy quân đội Sài Gòn trên một hướng chiến trường quan trọng, góp phần cơ bản làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Bước sang tuổi 85, nhưng hồi ức về những ngày tham gia Chiến dịch Bình Giã 55 năm trước vẫn còn in đậm trong tâm trí Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Bộ đội địa phương của Bà Rịa thời điểm này có 2 đại đội là Đại đội 440 và Đại đội 445. Khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh là Chính trị viên Đại đội 440. Ông kể: Trong Chiến dịch Bình Giã, Đại đội 440 theo lệnh của cấp trên di chuyển về địa bàn Long Hải (nay là TT.Long Hải, huyện Long Điền) để nghi binh, căng kéo địch phục vụ cho hướng tiến công chính của chiến dịch. Tại địa bàn Long Hải, Đại đội 440 đã đánh nhiều trận, nhưng ông nhớ nhất là trận Lò Vôi, đã gây thiệt hại nặng nề cho một đại đội địch. “Chúng tôi đánh trận này theo chiến thuật “túi rút”. Tức là sử dụng lực lượng chặn đầu và khóa đuôi một bên đường, bên còn lại thì tạo khoảng trống cho địch co cụm. Đây chính là nơi ta bố trí bí mật lực lượng, bất ngờ đánh tập hậu vào khu vực quyết chiến điểm. Khi có hiệu lệnh, các hướng sẽ chĩa súng tiểu liên bắn găm, ném lựu đạn và xông vào bắt tù binh. Cách đánh này rất hiệu quả và được thực hành nhiều trận sau đó”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh chia sẻ.
Chiến dịch Bình Giã diễn ra từ ngày 2/12/1964 đến ngày 3/1/1965 trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh (nay là tỉnh BR-VT và tỉnh Đồng Nai) và 2 huyện phía Nam tỉnh Bình Thuận. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 2 Trung đoàn chủ lực, 4 Tiểu đoàn Pháo binh Miền, 2 tiểu đoàn của Quân khu 7, 1 Tiểu đoàn của Quân khu 9 và LLVT địa phương, ước tính khoảng 7 ngàn quân tham gia. Trong số các đơn vị tham gia chiến dịch, bộ đội chủ lực Miền là lực lượng nòng cốt trong từng trận đánh và toàn bộ chiến dịch. Trải qua hơn 1 tháng chiến đấu, quân và dân ta đã giành thắng lợi giòn giã, diệt và làm bị thương 1.700 binh lính quân đội Sài Gòn và cố vấn Mỹ; bắt 293 tên, phá hủy 45 xe quân sự, bắn rơi và phá hủy 56 máy bay các loại, thu hơn 1 ngàn súng các loại cùng nhiều trang bị chiến tranh, hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch. |
Trong quá trình chuẩn bị Chiến dịch Bình Giã, công tác điều quân, chuẩn bị hậu cần, vũ khí, dân công… được giữ bí mật tuyệt đối. Điều này thể hiện sự nhạy bén, sáng suốt của Trung ương Đảng, Trung ương Cục và sự linh hoạt của Bộ Chỉ huy Miền và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Bình Giã. “Từ việc lựa chọn hướng chiến dịch, mục tiêu chiến dịch đến sử dụng lực lượng, cách đánh và mảng miếng phối hợp giữa các lực lượng đều được thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng. Do vậy, địch đã bị bất ngờ và là một trong những nhân tố làm nên thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã 55 năm trước”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh nhận định.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, trong quá trình thực hành Chiến dịch Bình Giã, trình độ tổ chức, phương pháp tác chiến của bộ đội chủ lực, đặc biệt là nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” được rèn luyện và nâng lên một bước. Có thể nói, Chiến thắng Bình Giã là bước phát triển nâng tầm nghệ thuật quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh Cách mạng miền Nam. “Những kinh nghiệm, bài học được đúc rút từ Chiến thắng Bình Giã là cơ sở thực tiễn quan trọng để tổ chức và điều hành các chiến dịch tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM