Vướng "rào cản", thanh niên khó khởi nghiệp

Thứ Ba, 01/10/2019, 18:49 [GMT+7]
In bài này
.

Kỳ 2:   Làm gì để "kích hoạt" sức trẻ?

Có sức trẻ, hăng say, sáng tạo, nhưng hầu hết thanh niên khi lập nghiệp luôn gặp rào cản về vốn. Đây là vấn đề mà thanh niên cần nhiều hơn vai trò cầu nối của các tổ chức Đoàn, Hội.

Cán bộ phòng công chứng TP.Bà Rịa chứng thực hồ sơ giải ngân vốn từ Quỹ khởi nghiệp cho anh Trần Quyết Thắng, đoàn viên xã Sơn Bình, huyện Châu Đức.
Cán bộ phòng công chứng TP.Bà Rịa chứng thực hồ sơ giải ngân vốn từ Quỹ khởi nghiệp cho anh Trần Quyết Thắng, đoàn viên xã Sơn Bình, huyện Châu Đức.

Khó tiếp cận vốn

Anh Nguyễn Trọng Đoàn (ở ấp 1, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) bắt đầu lập nghiệp từ năm 2012 với một tiệm tạp hóa nhỏ. Để mở tiệm tạp hóa, anh Đoàn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, còn lại mượn thêm từ gia đình. Buôn bán được, một năm sau, anh quyết định mở rộng kinh doanh. Anh mua thêm xe tải và 1 xe 7 chỗ để vận chuyển hàng, đồng thời tổ chức thêm dịch vụ cho thuê xe. Mới đây, anh Đoàn tiếp tục đầu tư thiết bị để sản xuất và kinh doanh nước uống đóng chai. “Khoản tiền 1 tỷ đồng để kinh doanh nước uống đóng chai phải vay từ ngân hàng thương mại. Năm ngoái, trước khi bắt tay vào dự án này, tôi đã lập dự án vay 100 triệu đồng từ nguồn “Quỹ khởi nghiệp” của Hội LHTNVN tỉnh nhưng đến nay hồ sơ chưa được xét duyệt. Nếu cứ phải chờ vốn như vậy thì rất khó để khởi nghiệp”, anh Đoàn nói.

Tương tự, anh Huỳnh Thanh Sỹ (nhà ở khu phố Bến Đình, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) lập đề án vay 60 triệu đồng (không lãi) từ nguồn vốn “Quỹ khởi nghiệp” để thực hiện dự án trồng nấm rơm. “Tuy nhiên, vốn “Quỹ khởi nghiệp” giải ngân sau tháng 10 hàng năm, trong khi tôi cần vốn vào tháng 8, vì vậy, tôi chấp nhận vay và trả lãi suất ngân hàng, trả gốc, lãi dần dần cho kịp với dự án của mình”, anh Sỹ chia sẻ.

Hay như trường hợp anh Trần Thanh Tú (khu phố 2, phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa), năm 2017, anh ấp ủ dự định thuê mặt bằng kinh doanh. Anh Tú kể: “Thời điểm đó do không có vốn, tôi tìm đến tổ chức Đoàn ở địa phương nhờ hỗ trợ, tiếp cận vốn vay. Song tôi chỉ được vay 30 triệu đồng, trong khi tôi cần ít nhất 200 triệu đồng. Sau đó, do không xoay được vốn, tôi đành bỏ dở phương án kinh doanh”.

Không chỉ khó khăn về vốn, các thanh niên trẻ lập nghiệp, khởi nghiệp còn gặp rào cản về đầu ra sản phẩm và khiến họ thất bại. Chẳng hạn tổ hợp tác thanh niên trồng mì xã Sơn Bình, huyện Châu Đức được thành lập năm 2014 với 9 thành viên tham gia sinh hoạt với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng. Nhưng sau 2 năm, mì rớt giá, thu hoạch không tìm được đầu ra, tổ hợp tác đã giải thể và mỗi thành viên tự tìm hướng đi mới cho mình.

Anh Trần Quốc Bảo, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ khởi nghiệp bằng mô hình trồng cây ăn trái.
Anh Trần Quốc Bảo, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ khởi nghiệp bằng mô hình trồng cây ăn trái.

Tìm hướng tháo gỡ

Trao đổi về vấn đề khó khăn của thanh niên khi khởi nghiệp, anh Thôi Đại Việt, Phó Bí thư Thị Đoàn Phú Mỹ cho biết, thời gian qua, các cấp Đoàn đã luôn cố gắng làm cầu nối ủy thác, để các dự án khởi nghiệp của thanh niên có thể tiếp cận được nguồn vốn. Tuy nhiên, hầu hết các dự án của thanh niên chỉ là những dự án nhỏ. Họ chưa có những đề án, mô hình sản xuất lớn. Mặt khác, theo quy định hiện nay, để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi người vay vốn phải là chủ hộ. Đây là một cản trở đối với khả năng tiếp cận vốn của thanh niên vì hầu hết họ đang sống cùng bố mẹ, chưa phải là chủ hộ.

Tại BR-VT, ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể; vốn giải quyết việc làm 120 do Trung ương Đoàn phân bổ, thanh niên trên còn có thể tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ khởi nghiệp. Nếu thanh niên trình bày ý tưởng, hướng sản xuất, kinh doanh, đầu ra cho sản phẩm đạt yêu cầu sẽ được duyệt vay 20-100 triệu đồng trong vòng 1 năm. Trong 5 năm qua cũng đã có hơn 30 đoàn viên thanh niên được vay vốn từ Quỹ khởi nghiệp. Tuy nhiên, nguồn quỹ chỉ có 500 triệu đồng mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu về vốn của thanh niên.

Anh Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội LHTNVN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ hội viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Chẳng hạn, năm 2018, một trong những hoạt động trọng tâm trong phong trào khởi nghiệp của Hội là “Nhà đầu tư thiên thần”. Tham gia hoạt động, các hội viên, thanh niên trình bày, mô tả các dự án, ý tưởng khởi nghiệp và được các nhà đầu tư cung cấp thêm nhiều kiến thức chuyên môn, giới thiệu kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong số này, 12 dự án đã được các nhà đầu tư và “Quỹ khởi nghiệp” Hội LHTNVN tỉnh quyết định đầu tư và hỗ trợ vốn (tổng số tiền 575 triệu đồng). Hiện nay, Tỉnh Đoàn, Hội LHTNVN tỉnh đang xúc tiến hoàn tất, trình lên UBND tỉnh “Quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh giao cho Đoàn thanh niên tỉnh ủy thác qua Ngân hàng chính sách để cho vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”. Nếu được thông qua, với nguồn quỹ dự kiến lên đến 10 tỷ đồng, Hội LHTNVN tỉnh sẽ giải được phần nào đó bài toán về vốn khởi nghiệp trong thanh niên.

Bài, ảnh: MINH THANH

>>>> Kỳ 1: Những tín hiệu vui

;
.